Nắm chắc dư luận - chìa khóa thành công
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhiều lần lưu ý các cấp, các ngành của thành phố rằng, mọi việc có sự đồng thuận của nhân dân ắt sẽ thành công.
Do đó, cấp ủy Đảng phải thường xuyên lắng nghe, nắm bắt dư luận nhân dân để tiếp thu ý kiến, kịp thời giải quyết kiến nghị chính đáng của nhân dân. Thực hiện chỉ đạo này, cấp ủy các quận, huyện, thị xã đã chủ động làm tốt công tác nắm bắt dư luận, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân.
Nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức Đảng, đảng viên
Huyện ủy Mê Linh là một trong những đơn vị tích cực, chủ động nâng cao công tác nắm bắt dư luận nhân dân. Nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp ủy tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ, ngày 6-3-2023, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/HU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác điều tra, nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn huyện. Cùng với đó, Bí thư Huyện ủy trực tiếp hằng tháng chủ trì giao ban đánh giá công tác dư luận xã hội, nghe thông tin dư luận; chỉ đạo phân loại, giao nhiệm vụ giải quyết cho các cơ quan, đơn vị. “Chúng tôi yêu cầu các cấp ủy Đảng gắn nhiệm vụ nắm bắt, định hướng dư luận xã hội với công tác tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của chi, đảng bộ và mỗi cán bộ, đảng viên”, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm nói.
Nhờ làm tốt công tác nắm bắt dư luận nhân dân, Mê Linh là một trong những đơn vị hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với tỷ lệ cao nhất mà không để xảy ra khiếu kiện; đồng thời xác định chính xác trọng tâm, trọng điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo như việc giải quyết cấp đất dịch vụ cho người dân mà huyện vừa ban hành đề án để tập trung thực hiện.
Tương tự, tại quận Long Biên, từ quận xuống phường đã hình thành cơ chế nắm bắt dư luận nhân dân, phân tích, đánh giá thông tin kiến nghị, xác định đầu việc, phân công nhiệm vụ giải quyết, kiểm đếm, đánh giá kết quả hằng tháng. Ban Thường vụ Quận ủy Long Biên cho biết, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của quận đã giải quyết, trả lời 23/25 nội dung dư luận phản ánh, các nội dung còn lại đang được xác minh, giải quyết. Nhờ thực hiện bài bản công tác này, nhiều năm trở lại đây, quận Long Biên không để xảy ra điểm nóng, là địa phương có ít nhất số đầu việc phức tạp thuộc diện thành phố phải theo dõi chỉ đạo giải quyết.
Trong khi đó, một số địa phương còn tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác dư luận xã hội, huấn luyện kỹ năng xử lý điểm nóng và trả lời thông tin báo chí. Lãnh đạo cấp ủy tổ chức đối thoại với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân theo chuyên đề nhằm kịp thời thông tin, giải đáp thắc mắc trong dư luận nhân dân như huyện Quốc Oai tổ chức đối thoại chuyên đề công tác quản lý và sử dụng đất đai... Hay như Quận ủy Hoàng Mai tổ chức các đoàn công tác thường xuyên giao ban với các bí thư chi bộ theo cụm, nắm bắt tình hình cơ sở để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo...
Mở rộng diện “phủ sóng”
Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự coi trọng công tác nắm bắt dư luận xã hội; chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm tương xứng. Đánh giá kết quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 6 tháng đầu năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xác định một trong những hạn chế tồn tại là: Việc nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân, thông tin tình hình cơ sở có lúc chưa kịp thời.
Theo Trưởng phòng Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Hoàng Sơn, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay với các nền tảng mạng xã hội, bên cạnh những thông tin chính thống còn có những thông tin chưa chính xác được lan truyền, tác động không nhỏ đến tình hình dư luận của thành phố. “Việc nâng cao chất lượng nắm bắt thông tin trong dư luận xã hội có ý nghĩa quan trọng và cần thiết với mọi cấp, ngành trên địa bàn thành phố để tham mưu chính xác. Nhất là nhiều vấn đề dân sinh mà dư luận đang quan tâm cần được các cơ quan chức năng liên quan định hướng và xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Hoàng Sơn nói.
Từ kinh nghiệm triển khai của các cấp ủy thời gian qua, để chủ động nắm bắt dư luận nhân dân, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần thu hút sự tham gia của đội ngũ các cộng tác viên dư luận trên không gian mạng để vừa kịp thời nắm bắt dư luận, vừa phối hợp tổ chức tuyên truyền về nhiệm vụ chính trị. Ban Tuyên giáo cấp ủy cần thiết lập mạng lưới tiếp nhận thông tin xuyên suốt từ huyện đến xã, thôn; thường xuyên cập nhật thông tin; xây dựng quy trình, quy chế tổng hợp, phân tích dư luận, chế độ báo cáo lãnh đạo cấp ủy định kỳ, đột xuất; trả lời, tuyên truyền kết quả xử lý... Đồng thời, Ban Tuyên giáo cấp ủy phải thường xuyên rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, mở rộng diện “phủ sóng” để tránh bỏ sót thông tin, dư luận quan trọng...