Ngăn ngừa lạm dụng, trục lợi bảo hiểm xã hội
Việc lạm dụng, trục lợi bảo hiểm xã hội diễn ra muôn hình vạn trạng, với nhiều chiêu thức tinh vi. Để ngăn ngừa tình trạng này, các cơ quan chức năng đã và đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, đồng thời mạnh tay xử lý vi phạm.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện kịp thời không ít đơn vị, cá nhân lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội. Trong số đó có những đơn vị không thực sự gặp khó khăn về tài chính vẫn cố tình chậm đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội phải tính lãi hằng năm chiếm từ hơn 2% đến hơn 3% tổng số tiền cần thu, tương ứng với hàng nghìn tỷ đồng.
Càng ở những địa phương tập trung nhiều người lao động làm việc, tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội càng cao. Chẳng hạn tại Hà Nội, tính đến thời điểm hết tháng 7-2023, các cơ quan chức năng ghi nhận trên địa bàn còn 86.545 đơn vị nợ chậm đóng với số tiền phải tính lãi là hơn 1.854 tỷ đồng, bằng 2,89% tổng số tiền cần thu. “Tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô”, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật trăn trở.
Không chỉ cố tình chậm đóng tiền, một số đơn vị, doanh nghiệp “né” đóng Quỹ Bảo hiểm xã hội khi thực tế có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, hoặc có đăng ký tham gia, nhưng không đủ số người thuộc diện tham gia... Các lực lượng chức năng còn phát hiện một số tổ chức, cá nhân có hành vi làm giả giấy tờ để trục lợi nguồn quỹ. Gần đây nhất là vụ việc Công an thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) khởi tố vụ án, khởi tố 19 bị can là những y, bác sĩ làm việc tại một số phòng khám đa khoa cùng những người có liên quan làm giả 130.000 giấy chứng nhận nghỉ ốm “bán” cho công nhân, để họ làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Những vụ việc nêu trên tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về tình trạng Quỹ Bảo hiểm xã hội có nguy cơ bị lạm dụng, trục lợi bằng nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Mạnh tay xử lý vi phạm
Nhằm bảo đảm các quyền lợi chính đang cho người lao động cũng như sự phát triển an toàn, bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội, các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi nguồn quỹ.
Với trách nhiệm thực hiện chính sách, năm 2022 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các bên liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra tại hơn 36.000 đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả, sau thanh tra, các đơn vị đã khắc phục hơn 3.068 tỷ đồng số tiền chậm đóng. Từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội tiếp tục được triển khai trên phạm vi rộng, thu về quỹ hàng nghìn tỷ đồng.
Tại Hà Nội, thống kê của Bảo hiểm xã hội thành phố cho thấy, từ đầu năm 2023 đến hết tháng 7, lực lượng chức năng đã thực hiện hơn 2.400 cuộc thanh tra, kiểm tra, thu về gần 220 tỷ đồng số tiền chậm đóng... Cố gắng giảm tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội năm 2023 xuống mức thấp nhất, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2729/UBND-KGVX, giao các đơn vị liên quan tập trung thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội… Thực hiện chỉ đạo, trong tháng 8-2023, nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô đã ra quyết định thanh tra, kiểm tra những đơn vị chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng. Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Tây Hồ Nguyễn Dương cho biết, một số đơn vị trên địa bàn quận đã chủ động khắc phục số tiền chậm đóng, như Công ty TNHH Sản xuất và thương mại KRC, Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Nam An...
Ngoài giải pháp đã thực thi, cuối tháng 8-2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 673-CV/BCSĐ đề nghị Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thanh tra, kiểm tra đơn vị chậm, trốn đóng bảo hiểm từ 3 tháng trở lên; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý đối với các hành vi gian lận, trốn đóng, trục lợi nguồn quỹ. Các địa phương không xem xét hồ sơ tham gia đấu thầu dự án đầu tư công của đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu hoàn thiện chế tài xử phạt về hành vi lạm dụng, trục lợi, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường cho biết, theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan có thẩm quyền có quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dài. Nếu được thực thi, những quy định mới được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý nghiêm minh để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi nguồn quỹ.