Kiềm giữ đà tăng chỉ số giá tiêu dùng
Nền kinh tế đang từng bước phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng mặc dù tiếp tục đối diện không ít khó khăn, nhất là bảo đảm các mục tiêu vĩ mô, trong đó có yêu cầu kiềm chế lạm phát. Nói cách khác, kể cả khi đạt tốc độ tăng trưởng khả quan nhưng mục tiêu kiềm giữ đà tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không được hiện thực hóa thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phát triển kinh tế, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội...
Lạm phát đang trong tầm kiểm soát
Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng, dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2023 tăng 0,88% so với tháng trước. Ngược lại, một số nhóm hàng không tăng giá hoặc tăng ở mức thấp đã góp phần kìm hãm đà tăng CPI, như thực phẩm, rau củ quả, hàng hóa và dịch vụ khác, bưu chính viễn thông… Xét tổng quát, bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Hà Nội CPI tháng 8-2023 tăng 1,08% so với tháng trước và tăng 0,78% so với cùng kỳ năm 2022. CPI bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 0,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 8, có 10/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước...
Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, tổng cầu yếu, cung tiền tăng trưởng chậm, tỷ giá và giá dầu khó tăng mạnh sẽ kiềm chế lạm phát trung bình trong năm 2023.
Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ lạm phát đang ở mức “vừa phải” cũng như còn đủ dư địa để tập trung cho công tác điều hành trong những tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên, trong việc kiềm chế lạm phát, các bộ, ngành, địa phương vẫn phải chủ động tối đa, không thể chủ quan lơ là.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trên thực tế, giá một số loại hàng hóa quan trọng trên thị trường quốc tế vẫn có thể diễn biến phức tạp, khó lường dưới tác động của thời tiết, thiên tai, xung đột, sự “đỏng đảnh” trong cung - cầu nhiên liệu và lương thực...
Các giải pháp đồng bộ
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 348/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 7 tháng đầu năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, thông qua một số giải pháp điều hành giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, nông sản, dịch vụ giáo dục và vật tư giáo dục, dịch vụ y tế, dịch vụ vận tải, vật liệu xây dựng.
Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố chủ động quản lý các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá khi hàng hóa có biến động bất thường. Các bộ, ngành chủ động xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá đồng bộ, cụ thể, gắn với mức độ, thời điểm phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào tháng cuối năm, hoặc dồn vào cùng một thời điểm. Ngoài ra, có thể xem xét lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ Nhà nước quản lý theo lộ trình để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, đồng thời bảo đảm sự đồng thuận xã hội.
Từ phía cơ quan quản lý, khi làm việc với các tập đoàn, tổng công ty lớn trong lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu: Không được để thiếu điện, thiếu than, xăng, dầu và khí đốt cho nền kinh tế trong mọi tình huống; tăng cường hợp tác và chia sẻ; các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm tham mưu cơ chế, chính sách, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp. Riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, cần bảo đảm trong mọi tình huống không để đứt gãy nguồn cung xăng, dầu; chủ động nhập khẩu để bảo đảm đủ nguồn cung cho thị trường; chủ động đề xuất những vấn đề mới phát sinh cần giải quyết, tháo gỡ; chú trọng cấu trúc lại hệ thống kinh doanh sao cho hiện diện nhiều hơn, rộng hơn ở địa bàn chiến lược.
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng là bảo đảm nguồn hàng, không để đứt gãy nguồn cung, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, nhất trong các dịp lễ, Tết. Đồng thời, cơ quan chức năng phải tập trung cao độ, tăng cường kiểm tra thị trường, bảo đảm bán hàng đúng xuất xứ, đúng giá niêm yết kết hợp phát hiện, chống hàng giả, hàng lậu. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, lại mang tính thời điểm bởi xã hội đang bước vào quý cuối năm, dễ nảy sinh hành vi vi phạm hơn các quý khác trong năm. Với sự vào cuộc chủ động, bằng những giải pháp thiết thực, lạm phát cả năm 2023 sẽ được kiềm chế dưới 4,5% như đã đề ra.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính:
Tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”
Để kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4,5% như chỉ tiêu của Quốc hội, theo tôi, cần thúc đẩy xuất, nhập khẩu, thúc đẩy thị trường trong nước, kết nối cung - cầu, sản xuất - tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định tâm lý, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”. Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa”, nhất là với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Ngoài ra, cần có các cơ chế theo dõi, quản lý giá thường xuyên giữa các cơ quan và có chế tài xử lý nghiêm khắc vi phạm, để những chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành phải được thực thi toàn diện và nghiêm túc. Giải pháp khác là tăng cường thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch thông tin về giá, tránh lạm phát kỳ vọng, tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả.
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội:
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình thị trường, giá cả trên thế giới; nhất là đối với nguyên, nhiên liệu quan trọng như xăng, dầu, vật tư đầu vào. Những yếu tố đó liên quan đến mức độ lạm phát. Với tỷ lệ chi phí nguyên, vật liệu nhập khẩu chiếm 37% trong tổng chi phí nguyên, vật liệu của toàn nền kinh tế, giá nguyên liệu đầu vào tăng sẽ tạo áp lực rất lớn, nguy cơ đẩy lạm phát lên cao.
Từ góc độ doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng cần rà soát định mức sản phẩm và nâng cao năng suất lao động, từ đó hạ giá thành để giảm lạm phát trong những tháng cuối năm. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng một cách hợp lý, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm giá thành sản phẩm, góp phần kìm giữ đà tăng giá hàng hóa.
Bà Phạm Thị Hoa, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy:
Đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân
Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, hàng hóa dồi dào, nguồn cung được bảo đảm nên thị trường không có biến động bất thường, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định. Một số thời điểm, giá rau xanh tăng bởi thời tiết không thuận lợi, song mức tăng chấp nhận được, không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân. Sau đó, giá rau nhanh chóng hạ nhiệt khi nguồn cung dồi dào. Là người đi chợ hằng ngày, tôi rất mừng là giá thịt lợn được kiểm soát tốt, không xảy ra tình trạng sốt giá như trước đây.
Thông thường vào cuối năm, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng cao nên giá các mặt hàng này có biến động. Vì vậy, tôi mong rằng từ nay đến cuối năm, cơ quan quản lý chú trọng việc kiểm soát giá cả, nhất là đối với hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, như: Xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, từ đó giữ được giá cả ổn định.
Sơn - Hương ghi