Kỹ năng sống

Tài xế xe khách tử vong do đột quỵ: Cần biết cách sơ cứu nạn nhân

Thu Hoài 03/09/2023 - 19:25

Ngày 3-9, mạng xã hội lan truyền video về tài xế xe khách chạy tuyến thành phố Hồ Chí Minh – Bình Thuận bị đột quỵ khi đang lái xe.

Clip do camera hành trình trên xe khách Vinh Hoa ghi lại. Theo đó, ngày 2-9-2023, tài xế đang điều khiển xe chở khách tuyến thành phố Hồ Chí Minh đi Lagi (Bình Thuận). Sau cuộc nói chuyện điện thoại, anh bỗng có biểu hiện của người bị đột quỵ. Dù đã gục xuống vô lăng, nhưng anh vẫn cố gắng dừng chiếc xe giữa phố để không gây tai nạn cho người khác.

Đến khi phát hiện tài xế có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hành khách trên xe đã khẩn trương gọi điện thoại cấp cứu. Tuy nhiên, do không biết sơ cứu người bị đột quỵ, nên không ai có thể chăm sóc đúng cách cho tài xế trong "giờ vàng cấp cứu”. Theo thông tin từ nhà xe Vinh Hoa ngày 3-9, người tài xế đã qua đời.

a99.png
Cách sơ cứu người bị đột quỵ.

Nói về căn bệnh đột quỵ, bác sĩ chuyên khoa I Hà Tường Phong (Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh) thông tin: Đột quỵ não là một cấp cứu y khoa, thực hiện càng sớm càng có lợi cho người bệnh, giúp hạn chế tỷ lệ tử vong và tàn phế do để lại di chứng suốt đời. Nếu bệnh được phát hiện sớm trong giờ vàng (thời gian từ 3 – 4,5 giờ từ khi bệnh khởi phát), người bệnh sẽ được tiêm thuốc tiêu sợi huyết (rTPA), khả năng hồi phục gần như hoàn toàn. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có số ít được đưa cấp cứu sớm đến cơ sở y tế.

Theo các chuyên gia y tế, khi gặp người có dấu hiệu bị đột quỵ, những người xung quanh cần thực hiện ngay các động tác sơ cứu sau: Cùng với việc gọi cấp cứu 115, cần nhanh chóng kiểm tra xem người bệnh còn đang thở hay không. Nếu không thấy nhịp thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo.

Nếu người bệnh cảm thấy khó thở, hãy nới lỏng quần áo, phụ kiện bó sát như cà vạt, khăn cổ, thắt lưng. Nếu bệnh nhân ngừng tim, thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Dùng khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh.

Tháo răng giả cho bệnh nhân (nếu có) tránh bị hóc, sặc. Tuyệt đối không đưa bất cứ gì vật gì vào miệng người bệnh. Bình tĩnh khuyên nhủ và trấn an người bệnh. Đắp chăn giữ ấm cơ thể người bệnh.
Nếu người bệnh có biểu hiện yếu ở tay chân, cần nhờ nhiều người hỗ trợ di chuyển người bệnh. Quan sát để nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào ở người bệnh.

Cùng với đó, cần lưu ý những điều KHÔNG NÊN LÀM khi sơ cứu người bị đột quỵ: Không để nạn nhân nằm ngửa mà nên nằm nghiêng. Tư thế nằm này giúp đề phòng trường hợp bệnh nhân nôn ói hoặc lưỡi bị tụt xuống họng gây tắc nghẽn đường thở.

Không cho bệnh nhân ăn uống hay sử dụng thuốc. Không dùng kim chích 10 đầu ngón tay hay chân của người bệnh. Không thực hiện cạo gió cho người bệnh. Không nên để bệnh nhân nằm lâu 1 chỗ mà cần khẩn trương đưa đi cấp cứu.

Với những người có nguy cơ đột quỵ, cần nắm vững những biểu hiện sau để tự nhận biết và kêu gọi giúp đỡ khi cần thiết. Cụ thể, người bệnh đột ngột thờ ơ với sự việc xung quanh. Cảm giác yếu và tê như kiến bò hay như kim châm chích nửa người bên trái hay phải gồm: Mặt, tay, chân. Mắt một bên nhắm không kín kèm méo miệng hoặc chỉ méo miệng riêng lẻ. Nói đớ hoặc nói không trôi chảy, hoặc ăn uống chảy bên khóe miệng, hoặc sặc nghẹn khó nuốt. Đau đầu, choáng váng, nóng bừng mặt sau một đêm mất ngủ hoặc dậy đi vệ sinh…

a100a.jpg
4 dấu hiệu nhận biết một người bị đột quỵ.

Theo y văn, có 4 dấu hiệu cần lưu ý để người xung quanh nhận biết sớm dấu hiệu nguy cơ đột quỵ của người bệnh, đó là cụm từ theo tiếng Anh: F.A.S.T.

Theo đó, F là Face (mặt): Gương mặt mất cân đối, hoặc méo xệ một bên miệng. Cách phát hiện: Yêu cầu người bệnh ngồi ngay ngắn để quan sát hoặc yêu cầu bệnh nhân cười, “thổi lửa”, nhe răng.

Arm (Tay): Kiểm tra tình trạng yếu hoặc liệt tay bằng cách yêu cầu người bệnh giơ đều hai tay, nếu bên nào yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có liệt.

Speech (Lời nói - ngôn ngữ bất thường): Yêu cầu bệnh nhân nói, lặp lại một cụm từ đơn giản. Nếu không lưu loát, giọng “méo” hoặc không nói được, đó là dấu hiệu bất thường.

Time (Thời gian): Nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu này cho thấy người bệnh có nguy cơ đột quỵ rất cao, hãy khẩn trương, nhanh nhất đưa người bệnh đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ