Văn nghệ

Khẳng định thương hiệu tiểu thuyết lịch sử

Ngô Thục Miên 03/09/2023 - 10:45

Những năm gần đây, vấn đề sáng tác, nghiên cứu văn học về đề tài lịch sử dân tộc ngày càng được quan tâm. "Tiểu thuyết lịch sử nên viết theo theo dã sử hay chính sử?", "Có thể hư cấu hay không và mức độ hư cấu đến đâu?"..., đó là những câu hỏi không dễ trả lời.

toa-dam.jpg
Một tọa đàm về tiểu thuyết lịch sử do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức.

Sự sáng tạo bền bỉ

Những năm qua, không ít nhà văn tích cực sáng tạo tiểu thuyết lịch sử, như Hoàng Quốc Hải, Phùng Văn Khai, Đinh Phương, Nguyễn Thế Quang, Lưu Sơn Minh, Bùi Việt Sỹ... Trong đó, nhà văn Hoàng Quốc Hải là người chuyên viết tiểu thuyết lịch sử, đặc biệt là về triều đại nhà Lý, nhà Trần.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải cho biết, ông viết bộ tiểu thuyết lịch sử về nhà Trần theo 5 lát cắt. Mỗi lát cắt là một giai đoạn tiêu biểu. "Bão táp cung đình" viết về giai đoạn chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần bằng cuộc hôn nhân của Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng, tiếp đó, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh.

"Thăng Long nổi giận" phản ánh trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai (1284 - 1285). Đây là cuộc đọ sức quyết liệt, hoàn toàn không cân sức giữa ta và giặc. "Huyết chiến Bạch Đằng" đi sâu phục dựng chiến thắng nổi tiếng Bạch Đằng trong lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 3.

"Huyền Trân công chúa" thể hiện một đường lối kiên trì hòa bình của thượng hoàng Trần Nhân Tông, đồng thời biểu dương tính nhân văn cao thượng của vị vua này. "Vương triều sụp đổ" phản ánh cả một giai đoạn kéo dài suốt 60 năm (1340 - 1400) suy thoái rồi sụp đổ của nhà Trần. Đọc bộ sách cho ta cái nhìn tổng thể xuyên suốt 175 năm tồn tại của nhà Trần, triều đại để lại cho hậu thế những bài học sống động mang tính khuôn mẫu, kể cả thành công và thất bại.

Nhà văn Phùng Văn Khai gần hai mươi năm "một mực" chuyên tâm lịch sử với những cuốn tiểu thuyết lịch sử như "Phùng Vương", "Ngô Vương Nam Đế Vạn Xuân", "Triệu Vương phục quốc", "Lý Đào Lang Vương", "Lý Phật Tử định quốc”... Để viết nên những tác phẩm này, nhà văn đã hoặc cùng các đoàn nghiên cứu, văn nhân miệt mài điền dã đình, đền, chùa, miếu; hoặc mải miết bôn ba khắp nơi tham gia tổ chức các hội thảo khoa học đều là về danh nhân lịch sử. Trong tâm thức và tinh thần ấy, Phùng Văn Khai đã dốc toàn bộ trí tuệ, sức lực và thời gian để từng bước tường minh lịch sử bằng văn chương.

Tiểu thuyết lịch sử vẫn có đất sống

Công việc của người viết sử bằng văn chương là làm sống lại lịch sử, biến những sự kiện lịch sử vốn khô khan trong sử sách thành những câu chuyện sống động và khơi mở, luận giải, đối thoại với những vấn đề được đặt ra từ lịch sử, qua đó truyền cảm hứng và tình yêu dân tộc đối với độc giả. Tuy nhiên, trước cuộc sống sôi động, mọi thứ cuốn đi rất nhanh, dòng tiểu thuyết lịch sử kén người đọc và cả người viết nên số lượng người viết tiểu thuyết lịch sử không nhiều như những lĩnh vực khác.

Nhà văn Đinh Phương chia sẻ: “Viết về đề tài đang diễn ra có vẻ như dễ xuất bản, dễ đọc hơn vì gần gũi. Còn tiểu thuyết lịch sử, riêng chuyện phải đi đọc, nghiên cứu tư liệu đã mất nhiều thời gian. Từ đó lại phải viết làm sao để chinh phục những bạn đọc khó tính và không bị mang tiếng là xuyên tạc. Nhưng tiểu thuyết lịch sử vẫn có đất sống, vẫn có lượng bạn đọc nhất định”.

Không ít tọa đàm, hội thảo đã được tổ chức, đa số gặp nhau ở một điểm, đó là giới hạn của sự tưởng tượng và hư cấu của nhà văn về những câu chuyện, sự kiện lịch sử. Tiểu thuyết có còn là văn chương không nếu không có sự tưởng tượng, hư cấu của nhà văn? Nhiều nhà văn cho rằng, nếu vắng tính hư cấu, thiếu vắng cá tính sáng tạo của nhà văn thì tiểu thuyết lịch sử sẽ khô khan, như thế, cần gì đến tài năng và sự dấn thân của nhà văn.

Nhà lý luận phê bình văn học Vũ Bình Lục cho rằng, với tiểu thuyết lịch sử, hay dã sử, và có thể cả các loại truyện có gắn với lịch sử, thì nhà văn có quyền hư cấu, ở nhiều cấp độ khác nhau. Nhưng hư cấu không có nghĩa là bóp méo lịch sử, bôi nhọ lịch sử. Thứ hai, lịch sử nước ta vô cùng phong phú, vẫn còn nhiều khoảng tối, khoảng mở cần được nghiên cứu, bổ sung thông tin.

Nếu chỉ biết lịch sử nước ta từ khu vực địa lý từ biên giới Lạng Sơn trở về thì chưa đủ. Cần phải biết cả sử Phương Tây, sử Trung Hoa, ví như Nguyên sử, Minh sử, Thanh sử, đọc và đối chiếu. Bên cạnh đó, cần phải đọc "An Nam chí lược" của Lê Tắc, "Nam Ông Mộng Lục" của Hồ Nguyên Trừng. Đặc biệt hơn nữa, cần giải mã lịch sử qua thơ ca của tiền nhân. Thơ ca phản ánh trung thực nhất lịch sử một con người, một thời đại, một đất nước cách nay cả nghìn năm...

Nhiều nhà văn khẳng định, tiểu thuyết lịch sử vẫn có đất sống, vẫn chinh phục bạn đọc nếu đủ hấp dẫn, vì thế, họ sẽ vẫn trung thành với đề tài này.