Đẩy mạnh thi đua “Người tốt, việc tốt”

Đời sống - Ngày đăng : 06:26, 07/01/2023

(HNM) - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về “Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đây là cơ sở để các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp của thành phố lãnh đạo, chỉ đạo tích cực đổi mới cả về hình thức và nội dung, đưa phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Các cá nhân điển hình trong phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” tại Hội nghị tổng kết 30 năm phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, biểu dương “Người tốt, việc tốt” năm 2022 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội tổ chức, tháng 9-2022.

Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội Nguyễn Công Bằng: 
Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

Cùng với các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của Trung ương, thành phố, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của Hà Nội đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển Thủ đô.

Để phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” tiếp tục phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và xây dựng “Người tốt, việc tốt”.

Qua đó, tạo chuyển biến sâu sắc hơn nữa trong tư tưởng, nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô về phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp trong tổ chức thực hiện, đưa phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành việc làm thường xuyên và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng: 
Chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp

Từ 9 nhóm nhiệm vụ trong Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, huyện Ba Vì tập trung chỉ đạo các cấp, ngành thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” theo hướng thiết thực, hiệu quả. Huyện sẽ định kỳ đánh giá, sơ kết, tổng kết và rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn; biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình.

Trong quá trình thực hiện, huyện sẽ gắn phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” với các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương, thành phố Hà Nội phát động. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, chính xác; chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp.

Đảng viên Nguyễn Minh Phương, Chi bộ số 2, phường Việt Hưng, quận Long Biên: 
Phong trào thi đua phải thiết thực

Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” chính thức được thành phố Hà Nội phát động năm 1992 và sau 30 năm đã ngày càng phát triển về chất, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Để ngày càng thu hút được nhiều người tham gia, trước hết phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” phải thiết thực, gắn liền với công việc, đời sống xã hội, có tầm bao quát toàn bộ các lĩnh vực của đời sống, các tầng lớp nhân dân, thành phần kinh tế cũng như các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bằng cách đổi mới về nội dung sao cho phù hợp với từng nơi phát động, phong trào thi đua sẽ tạo được động lực cách mạng của quần chúng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Nguyễn Huy Long, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng: 
Đổi mới hình thức tổ chức là yêu cầu tiên quyết

Cùng với đổi mới về nội dung và phương thức, việc đổi mới về cách thức tổ chức là yêu cầu tiên quyết quyết định sự thành công của phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”. Hình thức tổ chức phong trào thi đua trước tiên phải phù hợp với chính nội dung của phong trào, từ đó việc đổi mới về hình thức thực hiện sẽ giúp phong trào thi đua đa dạng, sinh động và hấp dẫn.

Theo tôi, để phong trào đạt hiệu quả cao nhất, ngay từ khâu phát động, triển khai phong trào phải gây được ấn tượng mạnh, tạo sự chú ý và phải được quan tâm sâu sát trong suốt quá trình tổ chức.

Thực tế cho thấy, các phong trào thi đua đạt hiệu quả cao nhất khi gắn với các sự kiện chính trị, lịch sử, văn hóa; gắn với ngày truyền thống, ngày kỷ niệm hoặc sự kiện lớn; gắn với nhân vật lịch sử cụ thể.

Ông Nguyễn Huy Khương, chung cư CT 12A, Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai: 
Coi trọng phát hiện, bồi dưỡng cá nhân điển hình

Muốn phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” đạt hiệu quả cao, cần coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng các cá nhân, tập thể điển hình và có nhiều hình thức biểu dương, khen thưởng để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Đồng thời phải xác định rõ mục tiêu xây dựng điển hình tiên tiến trong từng lĩnh vực cụ thể, như: Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và các tổ chức đoàn thể xã hội; phát triển kinh tế; văn hóa - xã hội; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương cần tạo mọi điều kiện về vật chất, hỗ trợ về tinh thần để các nhân tố sớm trở thành điển hình hoặc có biện pháp cụ thể hướng dẫn họ tích cực đăng ký phấn đấu trở thành điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt”.

Nhóm phóng viên