Văn nghệ

Nhạc sĩ Chu Minh: Bác Hồ - Người sống trong muôn triệu trái tim

Bảo Oanh 03/09/2023 - 07:14

Là người vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ và được trao giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật mang tên Bác, nhạc sĩ Chu Minh là người có sáng tác thành công về Bác Hồ. Trong đó, đặc biệt phải kể đến ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” ra đời cách đây 54 năm.

chu-minh.jpg
Nhạc sĩ Chu Minh.

1. Tên tuổi nhạc sĩ Chu Minh gắn liền với các tác phẩm về Đảng và Bác Hồ. Ông thành công trên cả 3 vai trò: Sáng tác, giảng dạy, nghiên cứu khoa học; là thầy dạy của nhiều nhạc sĩ như Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Tôn Thất Lập, Ngọc Đại, Đức Trịnh, Đỗ Bảo, Minh Đạo... Sinh thời, nhạc sĩ Phó Đức Phương nhận định, chỉ với 2 tác phẩm “Người là niềm tin tất thắng” và “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!” (thơ Hoàng Trung Thông), nhạc sĩ Chu Minh đã xứng đáng là gương mặt sáng giá của lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Sinh ra ở Hà Nội, nhạc sĩ Chu Minh sớm “ngấm” chất Hà thành hào hoa. Ông có tài chơi đàn vĩ cầm và sáng tác âm nhạc từ rất sớm. Nhờ những sáng tác đầu tay như “Việt - Trung - Xô” và “Chiến thắng biên giới”, ông là một trong 10 người được Nhà nước cử đi học lớp trung cấp âm nhạc ngắn hạn tại Vũ Hán (Trung Quốc). Với kiến thức âm nhạc bài bản, chuyên nghiệp, ông là một trong 7 người đầu tiên thành lập Đoàn Văn công nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).

Theo nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, thời gian được cử đi học tại khoa Sáng tác, Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh, nhạc sĩ Chu Minh may mắn được học thầy Tô Hạ - một nhà soạn nhạc đã có nhiều năm học âm nhạc ở Mỹ. Có lẽ điều đó đã giúp ông hoàn thành bản giao hưởng 3 chương: “Miền Nam tuyến đầu”. Sau tác phẩm đó, từ một Hiệu trưởng Trường Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc, ông được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), qua đó có thêm cơ hội phát triển với âm nhạc.

Ngày 20-11-2019, một đêm nhạc để tôn vinh và tri ân nhạc sĩ Chu Minh đã được tổ chức tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội) mang tên “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam”. Ở đó, không chỉ có tiết mục biểu diễn những ca khúc chính luận như “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam”, “Lời ca mở tuyến”, “Đường Trường Sơn chiến công gọi chiến công” hay những tác phẩm khí nhạc như concerto “Tuổi trẻ”, giao hưởng “Miền Nam tuyến đầu”..., mà người nghe còn được thưởng thức những bản tình ca lãng mạn, bay bổng như “Em xa có nhớ”, “Hà Nội chiều mây”, “Và thu nữa”... Nói như nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha: “Tất cả đã dựng lên chân dung “Một bậc thầy âm nhạc” vừa tầm vóc, vừa gần gũi đời thường. Chỉ một đêm thôi cũng đủ để cuộc đời cảm nhận đầy đủ về một tài năng như ông, một nhân cách như ông”.

2. Trong sáng tác của mình, nhạc sĩ Chu Minh luôn đề cao tinh thần dân tộc để người nghe thêm tự hào về quê hương, đất nước. Ông đã sáng tác nhiều ca khúc về Bác Hồ với sự kính trọng, mến phục từ chính con tim, khối óc, như “Nước non tên Người”, “Ngày ấy Người đi dặm dài thế kỷ”, “Đêm nhớ Bác”, “Tên Người đẹp mãi Bến Tre” rồi tác phẩm lớn “Tổ quốc giao hưởng” (gồm 3 chương), trong đó, ông đã chọn 6 bài thơ trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác để viết thành 4 ca khúc.

Nhạc sĩ Chu Minh thừa nhận, sáng tác về Bác Hồ là không dễ, bởi trong khuông nhạc và lời ca phải khắc họa được hình ảnh một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng cũng rất đỗi bình dị. Ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” đáp ứng yêu cầu đó, đã khắc sâu vào tâm trí người dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Nhớ lại hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ Chu Minh cho biết: “Ngày 2-9-1969, nhận được tin Bác Hồ qua đời, tôi vô cùng buồn bã, đau đớn. Dù đã nghĩ sẽ viết một ca khúc về Bác nhưng thực sự Bác quá vĩ đại nên tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Sáng ngày 9-9, tôi đi cùng đoàn Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào viếng và được sắp xếp cho đứng gần Bác. Lúc về, tôi cứ băn khoăn mãi lời điếu của Chủ tịch Cuba Fidel Castro: “Người ra đi lại là mầm sống vĩnh cửu”. Tôi nhẩm đi, nhẩm lại và thấy đó là ý tứ rất hay mà nếu được triển khai sẽ là một bài hát hay. Thế là đêm hôm ấy, trong cảm xúc tiếc thương nhưng không hề bi lụy, hùng tráng, nghiêm trang và đầy lòng tự hào, tôi hoàn thành được ca khúc này”.

Khi viết “Người là niềm tin tất thắng”, nhạc sĩ Chu Minh hướng đến giọng hát của ca sĩ Bích Liên (khi ấy là người nổi tiếng nhất Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam). Theo đánh giá của nhiều chuyên gia âm nhạc, bài hát thành công ở chỗ đã thoát ra khỏi lối viết hành khúc tang lễ kiểu phương Tây thông thường. Đặc biệt, trong bài có những câu rất “đắt” như “thế giới nghiêng mình”, “đất nước nghiêng mình”, cho thấy sự ra đi của Người không chỉ khiến dân tộc Việt Nam mà nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đều xót xa, thương tiếc, bởi Người đã trở thành biểu tượng của hòa bình, độc lập, tự do cho toàn nhân loại. Bài hát đã vượt qua khoảng 1.500 ca khúc của các nhạc sĩ khắp nơi gửi về Hội Nhạc sĩ Việt Nam để kịp giới thiệu, thu thanh, phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. “Chính vì mục đích viết ca khúc này cũng là để dàn nhạc giao hưởng đệm nên nhiều người cho rằng, tôi viết thế sẽ làm ca sĩ khó hát. Nhưng thực tế, tôi đã từng được nghe nhiều người công nhân, cựu chiến binh hát ca khúc này rất hay” - nhạc sĩ Chu Minh kể.

Những ngày mùa thu tháng 9 lịch sử, người nhạc sĩ già lại bồi hồi, xúc động khi nhớ về hình ảnh Bác Hồ, nhớ những lần được Bác trò chuyện, bắt tay và lời động viên của Bác là cần cố gắng học tập, rèn luyện hơn nữa. Đặc biệt, ông nhớ về thời khắc lịch sử khi sáng tác ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” và coi đó là “một phút huy hoàng làm nên lịch sử”. Hễ bật ti vi hay nghe đài nói về Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, về Ngày Quốc khánh và về ngày Bác Hồ rời xa trần thế, trong đầu ông lại vang lên giai điệu: “Đất nước nghiêng mình/ Đời đời nhớ ơn/ Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam/ Lời thề sắt son theo tiếng Bác gọi/ Bốn ngàn năm dồn lại hôm nay/ Người sống trong muôn triệu trái tim/ Hồ Chí Minh, Bác Hồ Chí Minh/ Đẹp nhất tên Người rạng rỡ núi sông/ Vì độc lập tự do đường lên phía trước rực màu cờ sao...”. Những giai điệu đã luôn là động lực, là niềm tin để ông sống và cống hiến nhiều hơn cho nền âm nhạc nước nhà.

Nhạc sĩ Chu Minh (tên thật là Triệu Đạt Hiền) sinh năm 1931, tại Hà Nội. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật cho các tác phẩm “Nước non tên người”, “Ngày ấy Người đi dặm dài thế kỷ”, “Tên Người đẹp mãi Bến Tre”, concerto cho piano “Tuổi trẻ”...