Sức khỏe

Phòng tránh dịch bệnh khi trẻ vào năm học mới

Bảo Ngọc 02/09/2023 - 13:16

Hiện nay, dịch tay chân miệng, đau mắt đỏ đang diễn biến phức tạp. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trong thời điểm học sinh đi học trở lại, phụ huynh cần chú ý các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan.

dau-mat.jpg
Dịch đau mắt đỏ đang diễn biến phức tạp ngay thời điểm học sinh bắt đầu đi học trở lại.

Nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh

Theo thống kê, trong khoảng cuối tháng 8-2023, cả nước ghi nhận 5.727 trường hợp mắc tay chân miệng, không ghi nhận ca tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 68.096 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 18 ca tử vong; so với năm 2022 (44.724 ca), số mắc tay chân miệng năm nay tính đến thời điểm này tăng 52,3%, số ca tử vong tăng 15 trường hợp.

Nếu như dịch tay chân miệng hoành hành ở các tỉnh phía Nam thì tại miền Bắc, dịch đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng. Theo thông tin của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 1 tháng qua, khoa Mắt của bệnh viện này đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp. Trong đó, khoảng 10 - 20% trẻ gặp biến chứng nặng như có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).

Thời gian gần đây, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng liên tục tiếp nhận và điều trị các ca bệnh liên quan đến đau mắt đỏ, đối tượng mắc bệnh bao gồm cả trẻ em lẫn người lớn. Tương tự, tại Bệnh viện Mắt Trung ương cũng ghi nhận số ca tới viện thăm khám do đau mắt đỏ có sự gia tăng.

Bác sĩ Lưu Quỳnh Anh, Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: "Bệnh viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt), bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân hè, dễ lây lan thành dịch.

Bệnh thường khởi phát từ 3 - 7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, triệu chứng bao gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều dử (có thể dử trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể dử xanh - vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…

Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc), viêm giác mạc chấm nông. Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ".

Dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể do các nguyên nhân khác như virus herpes, thủy đậu, poxvirus… Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng nếu dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…

Đáng lo ngại, các dịch bệnh bùng phát mạnh ngay thời điểm học sinh bắt đầu đi học trở lại, các em trong cùng một lớp có thể lây chéo nhau hoặc có nguy cơ về lây cho người thân trong gia đình khiến dịch bệnh lây lan nhanh.

Các biện pháp phòng tránh

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay đang là thời gian bắt đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan các dịch bệnh nguy hiểm như tay chân miệng, đau mắt đỏ nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt các biện pháp cá nhân, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh.

Để tích cực phòng, chống, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, học sinh, ngay từ đầu năm học mới, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Người lớn và trẻ em cần chú ý vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày,

Phụ huynh và nhà trường cũng nên chú ý việc vệ sinh ăn uống như thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng; sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như chậu và khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ.

Ngoài ra, hộ gia đình, nhà trường, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.