Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, hùng mạnh: Nòng cốt chấn hưng văn hóa dân tộc
Từ Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 đến các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước ta trong 80 năm qua cho thấy sự quan tâm, coi trọng và xác định vai trò nòng cốt của văn nghệ sĩ đối với việc đóng góp cho sự nghiệp văn hóa, cách mạng dân tộc.
Trong thời kỳ mới, đất nước phát triển và hội nhập sâu rộng, việc xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, hùng mạnh càng trở nên quan trọng, qua đó góp phần chấn hưng văn hóa dân tộc, xây dựng con người Việt Nam mới.
Văn nghệ sĩ - “Binh chủng” đặc biệt
Kế thừa nội dung Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng và Bác Hồ luôn đề cao, trân trọng vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Người viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Tiếp nối tư tưởng đó, các nghị quyết, chỉ thị, chính sách về công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng và Nhà nước ta luôn xác định và chú trọng xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ vững mạnh.
Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đề ra nhiệm vụ: “Chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đội ngũ này có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và trong sự nghiệp cách mạng nói chung”.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948-2023) ngày 25-7 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng giao nhiệm vụ: “Đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam sẽ luôn luôn đồng hành cùng dân tộc và sự nghiệp đổi mới của Đảng; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng quý báu, rất vẻ vang của mình; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới…”.
Được “chắp cánh” từ những quan tâm, chỉ đạo, dẫn dắt của Đảng và Nhà nước, đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta ngày càng lớn mạnh. Từ khi thành lập năm 1948, với lực lượng chưa đông đảo, đến nay, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tập hợp hơn 40.000 văn nghệ sĩ thuộc 5 thế hệ, rộng khắp các chuyên ngành (văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, kiến trúc, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số), sinh hoạt trong 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 63 Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đến nay, có 136 văn nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; 665 văn nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Cả nước có 452 nghệ sĩ nhân dân và 2.621 nghệ sĩ ưu tú. Lực lượng này trở thành một “binh chủng” đặc biệt, đang phát huy trí tuệ góp phần xứng đáng vào việc xây dựng nền văn học, nghệ thuật mới, phong phú, chất lượng; đóng vai trò nòng cốt góp phần chấn hưng nền văn hóa dân tộc, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới.
Tích cực góp phần chấn hưng văn hóa
Bên cạnh những thành tựu, thời cơ và thuận lợi, văn học, nghệ thuật nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Điển hình như sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển tiếp tục làm thay đổi phương thức sáng tạo, lưu trữ, giới thiệu, phát hành các sản phẩm văn học, nghệ thuật. Sự xâm nhập, thẩm thấu thông tin, quan điểm sai trái, lệch lạc, độc hại của các sản phẩm văn học, nghệ thuật từ nước ngoài vào Việt Nam cũng là một thách thức lớn…
Chính vì thế, PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhận định, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, vững mạnh, toàn diện càng cần thiết và quan trọng hơn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, liên hiệp hội và các hội văn học, nghệ thuật cần quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng; có phẩm chất, đạo đức, tài năng, tầm nhìn, cách nghĩ mới trong sáng tạo; có khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, để đáp ứng tốt yêu cầu trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa.
Đồng quan điểm, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh thêm, việc nâng cao đạo đức cách mạng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. PGS.TS Đỗ Hồng Quân phân tích: “Mỗi văn nghệ sĩ có lập trường tư tưởng, quan điểm rõ ràng. Họ sẽ ý thức rõ về vị trí, vai trò của mình trên con đường sáng tạo và truyền bá những giá trị tinh hoa của văn hóa cũng như xây dựng hệ tư tưởng cộng đồng xã hội; đồng thời sẽ tích cực, tận hiến sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, công cuộc đổi mới đất nước…”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tham mưu, chủ trì, tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sáng tác văn học, nghệ thuật và khơi dậy tài năng, cống hiến của văn nghệ sĩ. Mới đây, ba cuộc thi Tài năng múa rối toàn quốc 2022, Tài năng múa toàn quốc 2023, Tài năng diễn viên kịch nói 2023 đã diễn ra thành công, vinh danh 50 nghệ sĩ tích cực cống hiến cho nghệ thuật biểu diễn. Bên cạnh các đơn vị nghệ thuật công lập, nhiều đơn vị xã hội hóa đã hình thành, quy tụ những tài năng trong và ngoài nước, có hoạt động tích cực, như: Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời, Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam, Sân khấu Lệ Ngọc, Dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới…
Về phía các văn nghệ sĩ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: “Hơn lúc nào hết, văn nghệ sĩ phải huy động tất cả ý chí, khát vọng, lương tri của mình trong từng sáng tác văn học, nghệ thuật để nối tiếp mạch nguồn dân tộc, mang lại giá trị mới cho công chúng, vinh quang bước ra khỏi biên giới đất nước, đứng trước các dân tộc khác trên thế giới”.
Đặc biệt, Chính phủ và các ban, bộ, ngành liên quan đang xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2035, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình này cần sự tham gia tích cực của văn nghệ sĩ và đây cũng sẽ là tiền đề tạo bước đột phá phát triển đội ngũ này trong giai đoạn mới.