Để đất nước vượt qua thách thức, vươn tầm thời đại
Lịch sử tiến hóa của nhân loại là dòng chảy quanh co, uốn khúc với muôn trùng ghềnh thác, trong đó mỗi dân tộc đều phải tự mình vượt qua khó khăn, thách thức để sinh tồn và góp phần làm nên thời đại mới, xây đắp nền văn minh nhân loại. Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống dựng nước và giữ nước, đã tạo cho mình những giá trị riêng có, được thế giới ghi nhận và ngưỡng mộ.
1. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo đồng bào ta dựa vào sức mạnh của tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, nuôi dưỡng khát vọng độc lập, tự do, biến điều tưởng chừng như không thể thành có thể, đem sức ta tự giải phóng cho ta, đưa Việt Nam trở thành một dân tộc “có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”. Sau Tuyên ngôn độc lập, đất nước, chế độ mới, chính quyền cách mạng non trẻ bị đặt trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Thù trong, giặc ngoài cấu kết nhau lăm le bóp nát cơ đồ dân tộc, quyết cướp nước ta lần nữa.
Với nhãn quan chính trị nhạy bén, Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách sáng tạo, phát huy được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại, dựa vào nội lực là chính, đem lòng dân yêu nước làm trường lũy bảo vệ và dựng xây chế độ mới. Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã tạo sự lan tỏa lịch sử, mang ngọn đuốc đấu tranh giải phóng dân tộc soi rọi trong thế kỷ XX, cổ vũ các dân tộc bị áp bức vùng lên đòi độc lập. Ngày 30-4-1975 là trụ cột thứ ba trong kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Non sông thu về một mối, sức mạnh tổng hợp của dân tộc được mở rộng và nâng cao, đủ sức đánh bại bè lũ diệt chủng và bành trướng ở hai đầu biên giới Tổ quốc.
Tuy nhiên, trước gọng kìm bế quan tỏa cảng, Việt Nam lâm vào khủng hoảng kinh tế, thiếu đói lương thực, khan hiếm hàng tiêu dùng thiết yếu, lạm phát phi mã có tính lịch sử. Đặc biệt là cuối những năm 80, đầu thập niên 9 ở thế kỷ XX, nhân loại lâm vào khúc quanh lịch sử, đe dọa sự tồn vong chế độ xã hội chủ nghĩa, khiến cho Việt Nam càng thêm bội phần gian khó. Đứng trước hoàn cảnh vô vàn khó khăn, thử thách, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết đoán khởi sự tiến trình đổi mới đất nước.
Nhìn lại chặng đường 37 năm đổi mới đã qua, càng thấy khâm phục tầm nhìn chiến lược đi trước thời đại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Càng ngẫm, càng thấy thấm thía, bởi sự nghiệp đổi mới được tiến hành dựa trên nền tảng tinh thần tự tôn, tự lực, tự cường dân tộc, biết cứu mình trước khi trời cứu. Trong gian nan thử thách, Đảng Cộng sản Việt Nam biết nhìn vào lòng dân, hướng đến nguyện vọng và lợi ích của nhân dân.
2. Ngày nay, trên con đường hiện thực hóa khát vọng dân tộc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ, trong những khó khăn, thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải vượt qua, trước tiên vẫn phải giữ cho được sự kiên định chính trị, không dao động, không hoài nghi, không tự chuyển hóa tư tưởng. Từ bỏ con đường tư bản chủ nghĩa, song không quay lưng với những giá trị lịch sử mà nhân loại đã sáng tạo trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa. Vận dụng cơ chế thị trường, song phải nhất quán định hướng xã hội chủ nghĩa. Đấy là tư duy biện chứng, duy vật lịch sử.
Để bảo đảm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần phải vượt qua khó khăn, thách thức về quan niệm cho rằng “đã thị trường thì không thể có định hướng xã hội chủ nghĩa”. Việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, nhấn mạnh quan điểm coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng và là trụ cột của kinh tế quốc gia, nhưng kinh tế nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo, đó thực sự là một minh chứng cho việc vượt qua tư duy cũ kỹ, mở ra môi trường chính trị - kinh tế - xã hội năng động để đưa đất nước tới phồn vinh, hạnh phúc.
Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị được hiến định trong Hiến pháp, lãnh đạo toàn diện, trực tiếp, nhưng Đảng không đứng trên luật pháp, không làm thay Nhà nước. Đảng cũng tự xác định mình là một thành viên trong Mặt trận Tổ quốc. Mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức được mình là gương sáng mẫu mực cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, chấp hành pháp luật, làm gương cho quần chúng noi theo, tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước.
Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn giũa đạo đức cách mạng cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, chủ động, sáng tạo trong thực thi công vụ, nói đi đôi với làm, dám hy sinh lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Sự cám dỗ của vật chất, sự tha hóa quyền lực luôn là những chủng loại vi rút tinh vi, biến thể dưới mọi hình thức, lây nhiễm trong đời sống chính trị. Nếu cán bộ, đảng viên không tự mình vượt qua, thì chắc chắn sẽ trở thành sâu mọt làm mục ruỗng chế độ chính trị - xã hội ở Việt Nam, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng.
Sự gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng là mạch nguồn nuôi dưỡng cho sự trường tồn chế độ chính trị. Thực hành dân chủ trong đời sống chính trị - xã hội là phương thuốc đặc trị tăng sức đề kháng và chống lại chủ nghĩa cá nhân. Thực hành dân chủ là nhân lõi của tư tưởng “Dân là gốc”. Có nghĩa là Đảng phải hóa thân trong lòng dân, mọi việc hưng thịnh quốc gia đều phải dựa vào thước đo lòng dân. Dân thể hiện nguyện vọng, dân thể hiện ý chí, dân thể hiện sức mạnh nội lực dân tộc. Cho nên, phải thực hiện đầy đủ và tối ưu các khâu thực hành dân chủ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
Muốn như vậy, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm môi trường pháp lý cho người dân được thể hiện quyền tự do, dân chủ trong khuôn khổ. Mặt khác, cũng phải luôn đề cao cảnh giác để đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng dân chủ, nhân quyền, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa… để chống phá Đảng, Nhà nước, bôi đen chế độ.
Trên không gian mạng, mỗi giây, mỗi phút đều tán phát hàng triệu tin bài nhảm nhí, có nội dung xuyên tạc... Nếu không có giải pháp thanh lọc thông tin, để mạng xã hội phủ đen dư luận xã hội, chắc chắn sẽ làm rối loạn mặt trận tư tưởng của Đảng. Đó sẽ là tình thế triệu cân treo sợi tóc, đổ chế độ và mất nước là điều nhãn tiền.
Đảng chủ trương đổi mới kinh tế là trung tâm, nhưng đổi mới chính trị là then chốt. Trong đổi mới chính trị, cần đổi mới công tác tư tưởng chính trị, làm “bà đỡ” cho đổi mới, đi trước mở đường cho đổi mới sáng tạo, đi cùng để cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, nhìn lại phía sau để đúc kết thực tiễn ở tầm khái quát lý luận. Nền tảng tư tưởng của Đảng giống như chiếc lẫy nỏ thần Kim Quy, nếu lơ là, mất cảnh giác, để mất là dẫn đến cơ đồ đắm biển sâu. Cho nên, trong rất nhiều nhiệm vụ cấp bách, thì trước tiên và sau cùng vẫn phải bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Kim chỉ nam - “đôi mắt thần chủ nghĩa” còn giữ được thì con tàu cách mạng Việt Nam sẽ có hướng đúng để vượt qua giông bão thời đại.