Thời trang chuẩn bị cho cuộc trấn áp “núi rác” của EU
Trong một nhà kho ở ngoại ô Barcelona, Tây Ban Nha, những người phụ nữ đứng ở băng chuyền, phân loại thủ công áo phông, quần jean và váy từ những kiện quần áo lớn đã qua sử dụng – một bước nhỏ để giải quyết vấn đề tồn kho lớn của châu Âu.
Trong vòng một năm, trung tâm phân loại do nhà máy tái chế và tái sử dụng hàng may mặc Moda Re điều hành có kế hoạch tăng gấp đôi khối lượng xử lý lên 40.000 tấn mỗi năm. Albert Alberich, giám đốc Moda Re, cho biết: “Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Chúng tôi sẽ biến quần áo đã qua sử dụng từ châu Âu thành nguyên liệu thô cho các công ty thời trang".
Được tài trợ một phần bởi Inditex, chủ sở hữu Zara , Moda Re sẽ mở rộng các địa điểm ở Barcelona, Bilbao và Valencia, trong một số dấu hiệu đầu tiên về kế hoạch tăng cường năng lực phân loại, xử lý và tái chế hàng may mặc để đáp ứng với một loạt đề xuất mới của Liên minh châu Âu (EU) nhằm hạn chế rác thải từ ngành thời trang. Cũng tại Tây Ban Nha, các đối thủ bao gồm H&M, Mango và Inditex đã thành lập một hiệp hội phi lợi nhuận để quản lý rác thải quần áo, hưởng ứng luật EU yêu cầu các quốc gia thành viên phải tách vải dệt khỏi rác thải khác từ tháng 1-2025. Ủy ban châu Âu cho biết vào tháng 7, bất chấp những nỗ lực như vậy, chưa đến 1/4 trong số 5,2 triệu tấn rác thải quần áo của châu Âu được tái chế và hàng triệu tấn quần áo trở thành bãi rác mỗi năm.
Một báo cáo năm 2021 của EU cho biết dữ liệu chính xác về sự gia tăng rác thải quần áo còn khan hiếm nhưng việc thu gom quần áo để tái chế và tái sử dụng đã tăng dần ở một số nước châu Âu từ khoảng năm 2010. Báo cáo lưu ý rằng ngành dệt may là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu và hủy hoại môi trường. Vào tháng 3 năm nay, Inditex đã đưa lượng quần áo ra thị trường toàn cầu vào năm ngoái nhiều hơn 10% so với năm 2021, đặt mục tiêu sử dụng 40% sợi tái chế trong hàng may mặc vào năm 2030 như một phần của mục tiêu bền vững được công bố vào tháng 7 .
Theo Dijana Lind, nhà phân tích ESG tại Union Investment-tổ chức quản lý tài sản có trụ sở tại Frankfurt (Đức), cô đã làm việc với Adidas, Hugo Boss và Inditex về nhu cầu của các công ty này trong việc tăng cường sử dụng hàng dệt may tái chế. Hãng Hugo Boss cho biết “sản xuất thừa và tiêu thụ quá mức nói chung là một vấn đề của toàn ngành dệt may”, đồng thời nêu rõ họ đang sử dụng phân tích dữ liệu để điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu tốt hơn.
Công ty tư vấn McKinsey ước tính trong một báo cáo năm ngoái sẽ cần khoảng 6 đến 7 tỷ euro đầu tư vào năm 2030 để tạo ra quy mô xử lý và tái chế chất thải dệt may mà EU đang hướng tới.
Inditex cam kết sẽ đầu tư 3,5 triệu euro vào Moda Re trong vòng 3 năm và bố trí các thùng chứa tái chế tại tất cả các cửa hàng ở Tây Ban Nha. Trong một tuyên bố với Reuters, H&M thừa nhận: “Cách sản xuất và tiêu thụ thời trang cần phải thay đổi – đây là một sự thật không thể phủ nhận”.
Những trở ngại trong việc giảm đáng kể rác thải quần áo là rất lớn, bất chấp những áp lực từ EU, các cam kết và sáng kiến bền vững trong ngành như Moda Re. Báo cáo của McKinsey nhận thấy sẽ cần có hàng trăm nhà máy tương tự như Moda Re, cùng với việc đầu tư vào công nghệ và can thiệp vào thị trường để đáp ứng các mục tiêu của ngành là tái chế 2,5 triệu tấn chất thải dệt may vào năm 2030.
Trong khi đó, tại nhà máy ở Barcelona, hàng may mặc được chuyển đến từ hơn 7.000 thùng quyên góp tại các siêu thị và cửa hàng Zara và Mango. Máy hồng ngoại do Inditex tặng sẽ xác định thành phần sợi của quần áo để tăng tốc độ phân loại phần lớn là thủ công.
Hiện tại khoảng 40% quần áo Moda Re nhận được sẽ được gửi đến các cơ sở khác để tái chế. Trong số đó, chỉ 1/5 được tái chế thành sợi, tỷ lệ mà Moda Re kỳ vọng sẽ tăng lên 70% trong vòng 3 đến 4 năm tới. Hầu hết việc tái chế đều dành cho các sản phẩm cấp thấp hơn như khăn lau bát đĩa. Ngoài ra, gần một nửa số quần áo quyên góp cho Moda Re được vận chuyển để bán lại ở các nước châu Phi như Cameroon, Ghana và Senegal. Theo dữ liệu thương mại của Liên hợp quốc , EU đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn hàng dệt đã qua sử dụng vào năm 2022, nhiều hơn gấp đôi so với năm 2000. Không phải tất cả số quần áo đó đều được tái sử dụng và việc xuất khẩu quần áo đã qua sử dụng từ châu Âu sang châu Phi có thể dẫn đến ô nhiễm khi những sản phẩm không thể bán lại sẽ bị vứt vào bãi rác.
Các quy định do Ủy ban châu Âu đề xuất sẽ ngăn chặn các nhà khai thác vô đạo đức xuất khẩu các mặt hàng không thể sử dụng đem đổ đi ở những nước thứ ba, đồng thời sẽ yêu cầu các quốc gia chứng minh khả năng quản lý nguyên liệu một cách bền vững.