Thế giới

"Đám cháy" bên "hỏa hoạn" lớn

Đại sứ Trần Đức Mậu 01/09/2023 - 07:25

Cuộc đảo chính quân sự ở Gabon vừa qua gây bất ngờ lớn bởi hai lý do chính. Thứ nhất, nó diễn ra ngay sau khi Ủy ban bầu cử của nước này công bố kết quả chính thức của cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống. Cả hai cuộc bầu cử này chỉ bị phe đối lập ở trong nước cáo buộc là gian lận chứ bên ngoài không thấy phê trách gì.

Trong quá trình vận động tranh cử cũng không có biểu hiện về nguy cơ bùng nổ xung khắc và căng thẳng nội bộ. Mối quan hệ giữa chính quyền và giới quân sự bình thường chứ không bất hòa. Vậy mà đảo chính quân sự đã xảy ra ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố.

Thứ hai, ở Niger hiện đang lơ lửng nguy cơ bùng phát chiến tranh giữa chính quyền quân sự sau đảo chính với đội quân can thiệp từ bên ngoài của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) với sự hậu thuẫn hoặc tham gia trực tiếp của lực lượng quân đội Mỹ và Pháp hiện đang đồn trú ở Niger. Những diễn biến tiếp theo ở Niger hoàn toàn bất định. Theo logic thông thường thì giới quân sự ở Gabon phải chờ xem kết cục ở Niger ngã ngũ ra sao thì mới quyết định hành động như thế nào.

Giới quân sự ở Gabon hành động sau đảo chính giống hệt như giới quân sự ở Niger. Ở Gabon cũng có đông đảo người dân ủng hộ giới quân sự tiến hành đảo chính như ở Niger. Vì thế, bên ngoài không thể biểu lộ phản ứng đối với cuộc đảo chính quân sự này khác so với cuộc đảo chính quân sự ở Niger. Gabon không phải là thành viên của ECOWAS nhưng là thành viên của Liên minh châu Phi (AU). Giới quân sự ở Gabon không thể không tính đến khả năng phải đối phó với sự can thiệp quân sự của AU như ECOWAS đối với Niger.

Xem ra, giới quân sự ở Gabon đã tiến hành cuộc đảo chính quân sự vừa rồi trên cơ sở hai mưu tính sau: Thứ nhất, giới quân sự cho rằng lật đổ chế độ gia đình trị của nhà Bongo vốn không còn được lòng nhiều người tại Gabon nên chắc chắn sẽ được dân chúng ủng hộ và bên ngoài khó có thể phê phán hay chống đối.

Bối cảnh tình hình như thế thuận lợi cho giới quân sự ở Gabon hơn hẳn so với giới quân sự ở Niger. Thứ hai, cùng là đảo chính quân sự nhưng chuyện ở Niger phức tạp, nhạy cảm và nan giải hơn rất nhiều so với chuyện ở Gabon. Ở Niger có sự can thiệp của Mỹ và Pháp, lại còn liên quan đến vấn đề Hồi giáo cực đoan và mấy nước láng giềng đều đã xảy ra đảo chính quân sự. Vì thế, chắc giới quân sự ở Gabon cho rằng và tin rằng bên ngoài sẽ không can thiệp quân sự vào Gabon để khôi phục chính thể dân sự.

Dù những toan tính trên đúng hay không đúng thì cuộc đảo chính quân sự ở Gabon cũng vẫn làm cho mọi chuyện liên quan đến Niger càng khó có thể nhanh chóng được giải quyết ổn thỏa. Bên ngoài nhìn vào châu Phi không thể lạc quan được về triển vọng an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển của cả châu lục. Tất cả đều thấy có hai điều ám ảnh tương lai của châu lục này.

Thứ nhất là các quốc gia trên châu lục hợp tác và liên kết với nhau như thế nào thì đảo chính quân sự ở đâu đó trên châu lục vẫn luôn có thể dễ dàng bất ngờ xảy ra.

Thứ hai, đảo chính quân sự xảy ra khá nhiều trong thời gian vừa qua. Ở châu Phi trong thời gian 3 năm qua đã xảy ra 14 cuộc đảo chính quân sự, trong đó 9 cuộc đảo chính thành công. Gabon là "đám cháy" mới bên "hỏa hoạn" lớn tại châu lục này.