An toàn thực phẩm

Đẩy mạnh thanh tra về an toàn thực phẩm

Nguyễn Bình Minh 31/08/2023 - 07:05

Nhu cầu sử dụng thực phẩm và vật tư nông nghiệp của thành phố Hà Nội là rất lớn. Để kiểm soát tốt “đầu vào” sản xuất, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

attp.jpg
Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất, chế biến nông sản ở huyện Phúc Thọ. Ảnh: Nguyễn Minh

Vẫn phát hiện cơ sở vi phạm

Hà Nội hiện có 16.473 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản với ngành nghề đa dạng. Các mặt hàng về thực phẩm và vật tư nông nghiệp đa dạng, dồi dào là điều kiện thuận lợi cho người dân Thủ đô lựa chọn để tiêu dùng và đầu tư phát triển sản xuất. Hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định sản xuất, kinh doanh theo quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, để kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản bán trên thị trường, các đơn vị của ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, như: Công an thành phố, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, nhằm tuyên truyền, nhắc nhở và kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, đồng thời xử lý triệt để các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý của ngành.

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra tại 534 tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 776 triệu đồng đối với 84 tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, các đoàn liên ngành của Sở đã kiểm tra 1.233 buổi, 2.891 cơ sở; trong đó có 114 cơ sở vi phạm và cảnh cáo 62 trường hợp, tiêu hủy 1 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 51 trường hợp với số tiền hơn 153 triệu đồng...

Các lỗi vi phạm chủ yếu là do vẫn còn một số cơ sở không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm; không đủ điều kiện kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y, nhưng vẫn hành nghề, bán sản phẩm không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn công bố hoặc còn bán sản phẩm đã hết hạn sử dụng... Điều này đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, gián tiếp gây ô nhiễm môi trường khi nông dân sử dụng các vật tư đó.

Thực tế cho thấy, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực thuộc ngành quản lý đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của ngành về an toàn thực phẩm. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân đang tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp đã nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh phải đúng quy định pháp luật; quan tâm đúng mức đến việc bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng được lợi ích của người dân.

Kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất

Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuộc ngành Nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này lớn và phân bố rộng khắp trên địa bàn thành phố.

Trong khi đó, lực lượng thanh tra còn mỏng; một số đơn vị, tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản vẫn chưa tự giác, nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật. Tình trạng sản xuất, kinh doanh, mua bán thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm còn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở những nơi tập trung đông dân cư. Việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung an toàn chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ của sản phẩm; số lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn còn ít...

Để nâng cao hiệu quả trong quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc ngành quản lý, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và vật tư nông nghiệp; xử
phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm.

Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp với các lực lượng Công an, Quản lý thị trường và các quận, huyện, thị xã trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Các quận, huyện, thị xã cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, vật tư nông nghiệp tại các cơ sở đã được cơ quan quản lý nhà nước công bố, chứng nhận đạt tiêu chuẩn.

Đối với người dân, khi phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và vật tư nông nghiệp không bảo đảm các quy định của pháp luật cần báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền biết để xử lý theo quy định. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an toàn thực phẩm để hạ uy tín cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ đó, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Về lâu dài, các địa phương chú trọng công tác kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ đầu vào sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn. Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng. Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.