Kinh tế

Xuất khẩu nông sản: Bứt phá những tháng cuối năm

Đỗ Minh 31/08/2023 - 06:29

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều mặt hàng nông sản ghi nhận kỷ lục mới trong xuất khẩu, với những con số hàng tỷ USD. Thế nhưng, giá trị xuất khẩu nông sản 8 tháng năm 2023, dự kiến chỉ đạt hơn 33 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Với mục tiêu cán đích 55 tỷ USD trong xuất khẩu, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa thị trường, tạo sức bật đối với những mặt hàng thế mạnh để bứt phá ở những tháng cuối năm.

nongsan.jpg
Kiểm tra chất lượng sầu riêng xuất khẩu tại huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk).

Nhiều mặt hàng xuất khẩu xác lập kỷ lục mới

Các mặt hàng: Rau, quả, gạo, cà phê… đang là những gam màu sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Điển hình là mặt hàng gạo, dự kiến trong 8 tháng thu về hơn 2,6 tỷ USD cho ngành Nông nghiệp.

Thị trường châu Á tiếp tục là khu vực xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 77,7% tổng lượng xuất khẩu gạo, tăng hơn 35,8%; thị trường châu Âu tăng trưởng hơn 28% và thị trường châu Phi cũng ghi nhận sự tăng trưởng gần 5%... Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 533 USD/tấn, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Một điểm sáng nữa là mặt hàng rau, quả, dự kiến 8 tháng xuất khẩu đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng hơn 68% so với cùng kỳ và vượt cả năm 2022. Điều đáng nói, mặt hàng rau, quả của Việt Nam hoàn toàn có khả năng xác lập kỷ lục mới, chạm mốc 5 tỷ USD trong năm 2023. Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, sầu riêng và chuối của Việt Nam ngày càng được nhiều quốc gia ưa chuộng do chất lượng nâng cao. Trong khi đó, vụ sầu riêng của Việt Nam kéo dài, từ tháng 2 đến tháng 6 thu hoạch ở các tỉnh miền Tây và từ tháng 6 đến tháng 10 thu hoạch ở các tỉnh miền Đông, các tỉnh Tây Nguyên, nên sản lượng dồi dào, giá cạnh tranh hơn so với hàng của Thái Lan và Philippines. Dự kiến năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt khoảng 1,2-1,5 tỷ USD.

Cà phê cũng ghi nhận sự khởi sắc. Tính đến giữa tháng 8-2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,54 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu 2,81 tỷ USD, giảm 20% về lượng, nhưng tăng gần 5% về giá trị do giá xuất khẩu tăng cao. Giá xuất khẩu cà phê trung bình từ đầu năm đến nay là 2.828 USD/ tấn, tăng hơn 500 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Đỗ Hà Nam, dự kiến xuất khẩu cả năm đạt khoảng 1,718 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu 4,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, mặc dù giá trị xuất khẩu nông sản 8 tháng năm 2023, dự kiến chỉ đạt hơn 33 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng ghi nhận nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD và có nhiều mặt hàng xác lập kỷ lục mới.

Tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng

Mặc dù ghi nhận nhiều điểm sáng, song xuất khẩu nông sản vẫn còn những gam màu tối. Đơn cử, thủy sản kỳ vọng thu về hơn 10 tỷ USD trong năm nay, nhưng từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu mặt hàng này mới đạt hơn 5 tỷ USD.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cho hay, trong 2 tháng qua, xuất khẩu tôm đang dần phục hồi. Hy vọng, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp thủy sản sẽ tăng tốc để bù đắp doanh số bị thiếu hụt.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm do tác động của thị trường thế giới, những biến động về chính trị tại các quốc gia và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, xuất khẩu nông sản vẫn thiếu bền vững, khi chất lượng chưa đồng đều, thị trường xuất khẩu được thiết lập lỏng, chưa có độ bền, chưa khẳng định được thương hiệu.

Đáng chú ý, Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc thông tin ớt đỏ khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Trước đó, thị trường EU cũng cảnh báo về chất lượng một số nông sản khác của Việt Nam, như: Rau, quả tươi, gạo… Đây là “hồi chuông” cảnh báo để nông sản Việt Nam cần loại bỏ, tạo chỗ đứng, vị thế trên thị trường cung ứng nông sản thế giới.

Thực tế cho thấy, muốn xuất khẩu bền vững, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ những yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để thiết lập thị trường bền vững, các doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn nước nhập khẩu. Đồng thời, phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Bộ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong đàm phán thị trường cũng như kiểm soát các vùng nuôi, trồng. Bộ cũng chú trọng đến các sản phẩm chế biến, nhằm tăng giá trị, bảo đảm chất lượng sản phẩm, phát huy thế mạnh riêng của nông sản Việt Nam.

“Bộ NN&PTNT sẽ cùng các bộ, ngành phân tích thị trường, tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh để đẩy mạnh xuất khẩu, bù lấp vào những mặt hàng đang giảm, phấn đấu cán đích 55 tỷ USD như mục tiêu đề ra của năm 2023”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.