Bất động sản

Nhiều địa phương chưa có động thái hỗ trợ cụ thể “giải cứu” bất động sản

Dạ Khánh 30/08/2023 - 18:10

28% doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện các chương trình tiếp cận vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ xúc tiến, kết nối là không hiệu quả.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vừa có cuộc khảo sát với hơn 500 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản, đánh giá động thái của chính quyền địa phương trong khâu thực thi các cơ chế, chính sách được Chính phủ, các bộ, ngành ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong 8 tháng năm 2023.

akari-city-2-scaled.jpg
Các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Dữ liệu khảo sát cho thấy, có tới 50% doanh nghiệp cho biết, cơ quản lý tại địa phương đã bắt đầu tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

14% doanh nghiệp cho biết các hoạt động này đã mang lại kết quả cụ thể, các dự án căn bản đã xác định được hướng giải quyết; trong đó, điển hình phải kể đến các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Thuận,...

Tuy nhiên, có tới 36% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá, chính quyền địa phương nơi họ hoạt động kinh doanh mới dừng ở mức tiếp nhận thông tin, chưa có động thái hỗ trợ cụ thể.

Cụ thể, 2/3 doanh nghiệp được khảo sát cho biết, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đã có động thái tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách. Nhưng chỉ có gần 15% doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, bao gồm công tác giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất,... đạt mức độ hiệu quả và rất hiệu quả.

28% doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện các chương trình tiếp cận vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ xúc tiến, kết nối là không hiệu quả.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, 50% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn lớn nhất về giao dịch; 22% doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, thị trường trái phiếu, tín dụng; 21% doanh nghiệp gặp khó khăn về đất đai.

Cụ thể, về giao dịch, do tâm lý các nhà đầu tư bất động sản còn đang chưa muốn đầu tư ngay trong thời điểm này, đa phần đầu tư chưa ra được hàng cũ dẫn đến không quay vòng được vốn.

Về đầu tư, do hoạt động đầu tư, phát triển dự án không được triển khai đúng định hướng, đúng thực chất nhu cầu của thị trường, dẫn đến nguồn cung các sản phẩm thuộc nhu cầu thiết yếu của xã hội là nhà ở thương mại giá phù hợp, nhà ở xã hội... bị khan hiếm. Ngược lại các sản phẩm đầu tư, đầu cơ lại dư thừa, nhưng đó lại không phải là sản phẩm mà nhà đầu tư lựa chọn để "ẩn nấp" dòng tiền. Tình trạng sản phẩm “cần không có, có không cần” dẫn đến tồn kho hàng hóa và ảnh hưởng nghiêm trọng tới bài toán tài chính của doanh nghiệp.

Ngoài áp lực đáo nợ trái phiếu, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn cao so với khả năng hấp thụ của các đối tượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không bán được hàng nên không có dòng tiền, càng gặp khó khăn trong thanh khoản...

Trong khi đó, quy định pháp luật về đăng ký đất đai, quản lý hồ sơ địa chính còn nhiều chồng chéo, không thống nhất; trình tự thủ tục hành chính trong việc đăng ký đất đai còn phức tạp; việc xác định giá đất, thủ tục xin miễn tiền sử dụng đất (khi phát triển dự án nhà ở xã hội) còn nhiều khó khăn, dẫn tới nhiều doanh nghiệp dậm chân tại chỗ...