Tình trạng họp chợ trái quy định: Cần những giải pháp căn cơ
Bên cạnh các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống thì hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tồn tại các loại chợ tạm, chợ cóc chiếm dụng lòng, lề đường để buôn bán trái quy định. Cùng với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, cần có các giải pháp căn cơ, bài bản để không tái diễn tình trạng khi vắng bóng cơ quan chức năng là vi phạm lại tái diễn.
Vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng
Ngày 25-8, có mặt trên địa bàn phường Phương Liên và Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, từ tờ mờ sáng người buôn bán từ khắp nơi đã đổ về phố Kim Hoa, đường Nguyễn Trãi và phố Cầu Mới để tổ chức họp chợ. Để tiện cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa, đa số các tiểu thương thường tùy tiện dừng, đỗ phương tiện và bày biện hàng hóa ngay dưới lòng đường. Hoạt động này kéo dài đến tận chiều tối, người mua, kẻ bán tự do đi lại, tùy tiện xả rác, nước thải giết mổ gia cầm, thủy sản ngay xuống mặt đường. Việc buôn bán trái quy định tiếp diễn ngày qua ngày, không chỉ gây mất vệ sinh môi trường, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại.
Tình trạng biến vỉa hè, lòng đường thành điểm buôn bán trái quy định cũng diễn ra trên đường vành đai 2,5 đoạn qua phường Hoàng Văn Thụ và phố Đại Từ, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai). Để đối phó với việc kiểm tra của lực lượng chức năng thì ngoài xe thồ, phần lớn người buôn bán ở hai địa điểm trên đã chế ra các loại xe đẩy, xe có thùng; mỗi khi phát hiện lực lượng chức năng thì họ kéo hoặc lái đi, còn không thì tiện đâu dừng đấy, bày biện hàng hóa ngay trên thùng xe như một ki ốt lưu động.
Tương tự là tình trạng ở quận Hai Bà Trưng, trong khu vực khu tập thể Trại Găng, phường Thanh Nhàn; khu tập thể Nguyễn Công Trứ, phường Phố Huế. Đây là những chợ dân sinh tồn tại từ lâu, thời gian đầu chủ yếu xuất phát từ nhu cầu mua bán của người dân sống trong khu tập thể nhưng ngày càng “phình to” đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cả người dân sống ở khu vực lân cận. Sau mỗi buổi họp chợ, rác thải lại ứ đọng, chất thành đống trên mặt đường, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường.
Để không còn loay hoay, khó xử lý
Lý giải nguyên nhân chậm xử lý đối với hành vi họp chợ sai quy định, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Phạm Anh Tuấn cho biết: Hiện nay tất cả các chợ dân sinh họp trên địa bàn đều nằm trong diện không được phép hoạt động, nhưng vì đang trong quá trình sắp xếp, quy hoạch lại địa điểm buôn bán nên vẫn tạo điều kiện cho người dân tổ chức họp chợ. Tuy nhiên, để giám sát việc buôn bán của các hộ dân, định kỳ hằng tháng, UBND phường đều cử cán bộ xuống kiểm tra việc chấp hành quy định phòng chống cháy, nổ và lấy mẫu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, giao công an, dân phòng và các tổ dân phố thường xuyên nhắc nhở những hộ kinh doanh ở đây phải bảo đảm công tác vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, nếu phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý theo quy định.
Còn theo Chủ tịch UBND phường Phố Huế Phan Bá Tưởng, nguyên nhân chợ dân sinh tồn tại trái phép nhiều năm nay nhưng không giải tỏa là bởi phục vụ thói quen "tiện đâu mua đấy" của người dân. Cũng theo ông Phan Bá Tưởng, từ khi thí điểm triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị đến nay (từ ngày 1-7-2021 - PV), UBND phường không được thu thuế của các hộ kinh doanh, nhưng vẫn cắt cử cán bộ quản lý, phụ trách kẻ vạch xác định vị trí kinh doanh; trường hợp nào để hàng hóa, xe cộ tràn ra vạch kẻ thì xử lý nghiêm.
Trong khi đó, theo Phụ trách quản lý chợ Ngã Tư Sở (thuộc Ban quản lý chợ Đống Đa) Vũ Đình Biên, khó xử lý vi phạm là do hiện nay chưa có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền cũng như cơ quan quản lý. Còn nguyên nhân khách quan xuất phát từ việc dân số tăng nhanh; ý thức chấp hành quy định pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, vì mục đích mưu sinh, kiếm lời nên cố tình vi phạm.
Có thể nhận thấy, nhiều địa phương vẫn còn loay hoay, chưa tìm ra biện pháp xử lý dứt điểm đối với tình trạng chợ họp sai quy định, một mặt là do các chợ hình thành đã lâu, còn mặt khác là bởi nhu cầu mua bán của người dân ngày một tăng cao.
Để có thể xử lý dứt điểm các vi phạm về đô thị, vệ sinh môi trường cũng như an toàn giao thông… tại khu vực chợ họp trái quy định, thiết nghĩ các cấp chính quyền cần siết chặt quản lý và giám sát chặt hoạt động buôn bán tại đây. Cùng với đó, sớm triển khai xây dựng các chợ mới; quy hoạch quỹ đất để di chuyển chợ dân sinh ra khỏi khu dân cư…