Phát triển, cung cấp nhà ở cần gắn với thu nhập thực tế của người dân
Thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, phát triển, cung cấp nhà ở cho người dân cần gắn với thu nhập thực tế của người dân.
Ngày 29-8, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiến hành xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, hiện còn có 2 nhóm ý kiến khác nhau, tán thành và không tán thành quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như nội dung Chính phủ trình.
Về đất để xây dựng nhà ở xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án chủ đầu tư có thể dành quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đối với các dự án lớn, quy hoạch các khu vực nhà ở biệt lập, không có tác động tiêu cực về hạ tầng xã hội và điều kiện sống giữa các khu nhà ở có tiêu chí khác nhau) hoặc quỹ đất ở vị trí khác hay đóng góp bằng tiền mức tương đương giá trị quỹ đất, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong từng giai đoạn.
Đối với xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp vì không bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư. Đồng thời, việc xây dựng nhà lưu trú công nhân cần hạn chế đưa vào khu công nghiệp để bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự trong khu công nghiệp.
Quan tâm đến chính sách phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) cho biết, thực tế, việc phát triển nhà ở còn hướng đến quyền sở hữu nhà ở dưới góc độ là tài sản hơn là vai trò mấu chốt của nhà là để ở. Đại biểu đề nghị nghiên cứu thấu đáo, tiếp cận theo hướng nhà là để ở, không phải là để đầu cơ với kỳ vọng sinh lời trong tương lai. Từ đó, cần có một chính sách lớn về nhà ở đầu tiên nhằm ưu đãi những người mua nhà lần đầu; hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai, đánh thuế chuyển nhượng nhà ở theo các mức tăng dần và theo tỷ lệ nghịch với thời gian sở hữu. Miễn thuế thu nhập từ cho thuê nhà ở xã hội cũng như cho thuê nhà với giá nhà ở xã hội. Cần hạn chế đến mức tối đa tình trạng người mua nhà ở xã hội sau thời gian mua 5 năm và bán thì giá trị tăng đến 2-3 lần so với lúc mua.
“Phải xác định rõ Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người có thu nhập thấp có chỗ ở không phải để tạo ra thu nhập cao trong tương lai; cũng như nhà ở xã hội không phải cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ dưới mọi hình thức”, đại biểu nói.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và trong Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh cần căn cứ về quy mô dân số, tỷ lệ dân di cư để phát triển nhà ở cho phù hợp, đặc biệt là nhà ở xã hội. Từ đó xác định sẽ dựng xây dựng nhà ở xã hội đến khi nào, đáp ứng cho ai và ai sẽ là người cung cấp.
Từ những phân tích trên, đại biểu Lê Thanh Hoàn tán thành với quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động tham gia phát triển nhà ở lưu trú cho công nhân. Đồng thời, cần có chủ trương khuyến khích các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận khác tham gia tích cực hơn vào việc phát triển nhà ở xã hội. “Cần có chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu “bốc thăm trúng thưởng” trong thời gian vừa qua”, đại biểu nhấn mạnh.
Đóng góp ý kiến về phát triển nhà ở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, phát triển nhà và cung cấp nhà cho người dân cần gắn với thu nhập thực tế của người dân. Đại biểu cũng đề nghị bỏ khái niệm “nhà lưu trú”, nên sử dụng là “nhà ở xã hội”, nhà ở xã hội dành cho công nhân; và không nên để nhà lưu trú, nhà ở xã hội cho công nhân đặt trong khu công nghiệp (vì khu công nghiệp chỉ nên tập trung để sản xuất, kinh doanh). Do đó, đề nghị ban soạn thảo nên xem xét, cân nhắc các vấn đề này.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) lại cho rằng, cần bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú cho công nhân. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tránh phát sinh các thủ tục không cần thiết, đại biểu đề nghị không quy định loại nhà ở này phải có trong chương trình kế hoạch phát triển nhà ở địa phương; đồng thời không xác định đây là một loại hình nhà ở xã hội, mà chỉ là hình thức nhà lưu trú công nhân.