Đưa văn học, nghệ thuật Thủ đô phát triển đột phá, xứng tầm
Sáng 29-8, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Dự hội nghị, về phía Trung ương có Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Bùi Thế Đức; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy.
Về phía Hà Nội, có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản dự hội nghị.
Đời sống văn học, nghệ thuật phong phú, sôi nổi
Sau 15 năm, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, nhất là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong việc quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết số 23-NQ/TƯ, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII vào cuộc sống đã thúc đẩy nền văn học, nghệ thuật Thủ đô vươn lên, có những bước chuyển mình quan trọng.
Khuynh hướng chính trong sáng tạo văn học, nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô vẫn xuyên suốt theo dòng mạch nguồn là “chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc” với sự đan xen, hòa quyện giữa kế thừa truyền thống và sự thích ứng linh hoạt với yếu tố đương đại. Đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô đã khắc phục khó khăn, tâm huyết với nghề, sáng tạo được các tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Chất lượng tác phẩm nghệ thuật được nâng lên, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho biết, là tổ chức hội quy tụ hơn 4.000 văn nghệ sĩ Thủ đô ở các lĩnh vực văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian, lực lượng văn nghệ sĩ Thủ đô đã không ngừng nỗ lực, phát huy trí tuệ sáng tạo, đóng góp tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng, chuyên nghiệp; nâng cao công tác lý luận, phê bình nhằm thực hiện tốt công tác giáo dục thẩm mỹ, định hướng thị hiếu công chúng; phê phán biểu hiện sai trái, lệch lạc trong đời sống.
“Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội và các hội chuyên ngành còn tích cực trong việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực từ các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động, chương trình, sự kiện văn học, nghệ thuật; khuyến khích xã hội hóa việc sưu tầm, gìn giữ, phục hồi, phổ biến và phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền, các loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian… Cũng từ đây, nhiều công trình văn học, nghệ thuật mới, có tầm vóc được công bố, giới thiệu, phục vụ khán giả, góp phần xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Hà Nội phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, kết hợp truyền thống và hiện đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân Thủ đô”, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.
Cùng với phát huy hoạt động chuyên nghiệp, chất lượng cao, việc phát triển, văn học, nghệ thuật quần chúng tại địa phương cũng ngày càng được chú trọng. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, quận đã triển khai tổ chức 500 buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, tạp kỹ tại Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (hay còn gọi là Phố đi bộ Trịnh Công Sơn) vào mỗi dịp cuối tuần. Nhiều chương trình biểu diễn đã thu hút và quy tụ không chỉ diễn viên quần chúng mà nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, thành công trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật đang sống trên địa bàn quận tham gia, như Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài, ca sĩ Sao Mai Phương Mai…
Huy động các nguồn lực phát triển văn học, nghệ thuật
Bên cạnh công tác sáng tác, công bố tác phẩm, việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TƯ tại Hà Nội thành công nhờ sự đầu tư, huy động các nguồn lực đóng góp cho sự phát triển văn học, nghệ thuật trong đó có việc xây dựng các thiết chế văn hóa như Bảo tàng Hà Nội, nâng cấp Thư viện Hà Nội, Phố sách Hà Nội, nâng cấp các nhà hát nghệ thuật...
Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ, thời gian qua, để phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trung tâm đã ứng dụng công nghệ và tổ chức các hoạt động nghệ thuật sôi nổi, hiệu quả. Trung tâm đã ứng dụng xây dựng cơ sở dữ liệu số, sử dụng nghệ thuật ánh sáng để tăng trải nghiệm cho khách tham quan; đặc biệt, đơn vị đã thu hút cộng đồng, văn nghệ sĩ chung sức tổ chức các chương trình nghệ thuật, triển lãm nghệ thuật có sự tương tác với không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám để thu hút nhiều đối tượng khán giả.
Để thực hiện tốt hơn, tạo sức lan tỏa các hoạt động văn học, nghệ thuật Thủ đô, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức cho rằng, nhiệm vụ tuyên truyền văn hóa, văn nghệ trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có các cơ quan báo chí rất quan trọng. Là một tờ báo của Thủ đô Hà Nội, bên cạnh những dòng chảy thông tin khác, trong 15 năm qua, mảng văn học, nghệ thuật trên các ấn phẩm của Báo Hànộimới được duy trì, phát huy và trở thành một trong những mảng tuyên truyền quan trọng của báo.
Với lượng tin, bài, chuyên mục, chuyên trang đầy đặn, liên tục, nhiều đổi mới trong cách thức thể hiện, Báo Hànộimới góp phần hiệu quả trong việc giới thiệu, lan tỏa những tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với đông đảo công chúng; cổ vũ những tác phẩm hay, chất lượng; đấu tranh, phê phán những tác phẩm, hoạt động, biểu hiện, vấn đề phản cảm, sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật…
Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật xứng tầm
Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc; UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho 26 tập thể, 21 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Ghi nhận những nỗ lực, kết quả, thành tích trong phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Thủ đô; biểu dương những tập thể, cá nhân đã đóng góp tích cực, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, thành công lớn nhất qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là sự chuyển biến nhận thức đối với lĩnh vực văn hóa, phát triển con người, trong đó có văn học, nghệ thuật.
Các cấp, ngành, địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của văn hóa trong việc phát triển bền vững, hội nhập và phát triển, nhận thức sâu sắc hơn phát triển văn hóa đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật không những là nền tảng tinh thần của xã hội, mang lại những giá trị nhân văn cao đẹp làm tâm hồn mỗi con người phong phú hơn, nhân văn hơn, mà còn góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, nhanh chóng, bền vững.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TƯ, xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô nói riêng và văn hóa Thủ đô nói chung trở thành trung tâm, đầu tàu của khu vực đồng bằng sông Hồng, cả nước và hội nhập quốc tế, theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, thời gian tới, cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể.
Đó là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vấn đề phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung cần được tiếp tục củng cố sâu sắc và mạnh mẽ hơn nữa để phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, phù hợp với quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như các Nghị quyết, Chuyên đề của Thành ủy Hà Nội. Các cấp, ngành, địa phương, hội nghề nghiệp và văn nghệ sĩ Thủ đô phải nêu cao trách nhiệm, lòng tự hào và khát vọng xây dựng Thủ đô, sáng tạo và phát triển tác phẩm văn học, nghệ thuật làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; đồng thời góp phần xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, cơ quan văn hóa phải tham mưu cơ chế, chính sách về nguồn lực, đầu tư tài chính, để hỗ trợ phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Hà Nội, trong đó có lĩnh vực mới là công nghiệp văn hóa, như thành lập quỹ hỗ trợ từ nguồn ngân sách hoặc xã hội hóa để tạo điều kiện, đầu tư cho văn nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tạo, công bố tác phẩm; thu hút nguồn lực để thực hiện chương trình, sự kiện văn hóa, văn học, nghệ thuật thường niên mang tính chất quốc gia, tiến tới khu vực và quốc tế tại Hà Nội.
Một vấn đề nữa mà đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu thực hiện trong thời gian tới đó là tăng cường công tác giám sát; đánh giá, thi đua, khen thưởng thiết thực đối với việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật.