Bất động sản

Quy định rõ dấu hiệu thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản

Tiến Thành 29/08/2023 - 12:35

Đại biểu Quốc hội đề nghị nghiêm cấm hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản và quy định rõ dấu hiệu của việc thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Sáng 29-8, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiến hành xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

vuhongthanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với trường hợp tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình có 2 phương án đề xuất.

Trong đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành phương án không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản đối với trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động trên không nhằm mục đích kinh doanh; trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động trên nhằm mục đích kinh doanh thì phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

maivanhai.jpg
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) thảo luận.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng trên thực tế, tổ chức, cá nhân phải có tài sản, công trình, đất thì được thực hiện các quyền về định đoạt tài sản để thực hiện việc chuyển nhượng, cho thuê và thực hiện nghĩa vụ thuế cho nhà nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ như thế nào không nhằm mục đích kinh doanh và nhằm mục đích kinh doanh...

Về hình thức kinh doanh bất động sản, dự thảo Luật quy định 6 hình thức, chủ yếu là kinh doanh bất động sản thông qua đầu tư dự án, đầu tư hạ tầng, thuê mua để bán, cho thuê, nhận chuyển nhượng,… “Dự thảo Luật chưa đề cập hình thức kinh doanh bất động sản được hình thành từ cá nhân có đất đầu tư nhà ở, công trình xây dựng. Bên cạnh đó, kinh doanh nhà ở, các công trình sẵn có cũng là hình thức kinh doanh”, đại biểu Mai Văn Hải nói.

dbct1.jpg
Quang cảnh phiên họp.

Về quy định đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, báo cáo tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành phương án quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách hàng khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng và số tiền đặt cọc không vượt quá 10% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng.

nguyenthivietnga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu.

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, nếu không có quy định về đặt cọc, đặc biệt là số tiền đặt cọc tối đa và về thời điểm đặt cọc thì sẽ phát sinh nhiều rắc rối. “Thực tế hiện nay được đặt cọc mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai đang rất lộn xộn vì chúng ta thiếu những quy định này, do đó dẫn đến việc chủ đầu tư dự án chiếm dụng vốn của người mua, có những dự án huy động tiền cọc 30-50% tổng giá trị của công trình…”, đại biểu nói và cho rằng, nhà ở là tài sản lớn đối với người dân, nếu không quy định rõ ràng về tiền đặt cọc thì người mua sẽ mất một khoản tiền lớn.

Đối với thời điểm đặt cọc, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng thời điểm thích hợp là khi dự án với thiết kết cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định, chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Với những ràng buộc pháp lý như vậy, vừa bảo đảm chắc chắn dự án sẽ được triển khai, không có trở ngại về pháp lý, tránh việc thu tiền cọc quá sớm khi dự án chưa bảo đảm các yêu cầu thủ tục, chưa được thẩm định, dẫn đến việc chủ đầu tư huy động vốn trái phép, lừa lấy tiền cọc của người mua…

Thảo luận về một số nội dung cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) nhất trí với 7 nhóm hành vi bị nghiêm cấm như quy định của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đó là thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản và quy định rõ dấu hiệu của việc thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

nguyenanhtri.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) thảo luận.

Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, chưa thể yên tâm với tình thế hiện tại khi bất động sản có giá trị kinh tế lớn, có một thời gian dài mua bán bất động sản một cách thuận tiện, dễ dàng, nhưng cũng rất lộn xộn, và khi có sự cố xảy ra thì người dân, nhà nước dễ chịu thiệt thòi. Kinh doanh bất động sản đã trở thành một nghề dễ làm, dễ phất lên với những mánh lới luồn lách. Vì vậy, để lành mạnh hóa thị trường này, đại biểu cho rằng việc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản là cần thiết, để bảo đảm chính thức, nghiêm túc, tin cậy và tuân thủ pháp luật. Đại biểu cho rằng dự thảo luật cần có những quy định hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.