Luận đàm thời sự

Dàn trận chờ khai hỏa

Đại sứ Trần Đức Mậu 29/08/2023 - 07:55

Mọi diễn biến gần đây nhất ở bên trong cũng như ngoài Niger đều báo hiệu, chiến tranh hoặc xung đột quân sự dường như không còn có thể tránh khỏi ở đất nước này.

Ở bên ngoài Niger, tổ chức Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã quyết định tiến hành can thiệp quân sự vào Niger để lật đổ chính quyền quân sự hiện tại và khôi phục chính quyền dân sự đã bị giới quân sự đảo chính lật đổ. Liên minh châu Phi (AU) cũng đã tạm ngừng tư cách thành viên của Niger.

AU, ECOWAS, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia trong khối các nước phương Tây đang toan tính áp dụng những biện pháp chính sách trừng phạt chính quyền quân sự ở Niger. Mỹ và Pháp là hai nước hiện có khoảng 2.500 binh lính được triển khai ở Niger, đang gia tăng áp lực chính trị rất mạnh mẽ đối với chính quyền quân sự ở Niger và không có ý định triệt thoái lực lượng quân đội này ra khỏi Niger; đồng thời mập mờ dọa sẽ áp dụng những biện pháp mạnh cần thiết để bảo đảm an ninh cho binh lính và nhân viên ngoại giao của họ ở nước này, cho dù chưa răn đe rõ ràng là không loại trừ khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào Niger.

Trong khi đó, chính quyền quân sự ở Niger đã ký kết thỏa thuận thành lập liên minh quân sự với hai nước láng giềng là Burkina Faso và Mali.

Ở bên trong Niger, sự ủng hộ chính quyền quân sự lấn át sự hậu thuẫn chính quyền dân sự, đặc biệt là làn sóng chống Pháp dấy lên dữ dội và ngày càng thiên về hướng bị cực đoan hóa.

Mới đây nhất, chính quyền quân sự ở Niger đã trục xuất đại sứ Pháp ở Niger vì vị này không nhận lời mời tới gặp bộ trưởng ngoại giao trong chính quyền quân sự ở Niger.

Chính phủ Pháp đã bác bỏ quyết định này của chính quyền quân sự ở Niger và không đáp ứng tối hậu thư nói trên. Hiện tại, hai cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của Pháp ở Niger đã bị chính quyền quân sự Niger phong tỏa, ngừng cung ứng điện, nước, lương thực và nhu yếu phẩm. Đối đầu bước vào vòng xoáy mới.

Qua những diễn biến trên có thể thấy các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đến Niger đã dàn trận xong và chỉ chờ giọt nước làm tràn cốc. Một tia lửa nhỏ hiện có thể gây ra bão lửa lớn hay một quyết định vội vàng và sai lầm có thể dẫn đến xảy ra chiến tranh ở Niger.

Ở nơi đây hiện đang tiềm ẩn kịch bản "ngoại công, nội ứng", tức là tổ chức ECOWAS can thiệp quân sự vào Niger và binh lính Mỹ, Pháp ở bên trong Niger tiếp ứng; và "nội thủ, ngoại trợ", có nghĩa là ở bên trong Niger thì chính quyền quân sự và người dân ủng hộ chống trả sự can thiệp quân sự của ECOWAS và Mỹ, Pháp, từ bên ngoài thì Mali và Burkina Faso trợ giúp chính quyền quân sự ở Niger đối phó.

Đối với cả hai phe, thực chất vấn đề bây giờ đều là "được ăn cả, ngã về không". Nếu không khuất phục được chính quyền quân sự ở Niger, AU và ECOWAS cùng với các nước phương Tây không những bị tổn hại thể diện và uy danh mà còn suy giảm đáng kể vai trò và ảnh hưởng ở châu Phi, bị thất thế so với những đối tác bên ngoài khác, đặc biệt và trước hết là với Trung Quốc và Nga.

Nếu chống chọi thành công thì giới quân sự ở Niger không những chỉ duy trì được quyền lực ở nước này mà còn khích lệ giới quân sự ở các quốc gia châu Phi khác mưu tính nhảy ra nhiếp chính. Diễn biến và kết cục chuyện ở Niger vì thế sẽ tác động bảo toàn hay làm thay đổi tương quan lực lượng chính trị cũng như cục diện quyền lực ở châu Phi, tác động tới cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các đối tác bên ngoài ở châu Phi. Về lâu dài, cách thức giải quyết vấn đề ở Niger sẽ có tác động tới tương lai của cả AU và ECOWAS.