Chung tay ngăn ngừa tội phạm đường phố
Tội phạm đường phố được nhận định còn diễn biến phức tạp. Các hành vi của một bộ phận thanh thiếu niên tụ tập chạy xe máy lạng lách, đánh võng… luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Ngăn ngừa và phòng chống tội phạm này, Công an thành phố Hà Nội đã có chuyên đề để tập trung ngăn chặn và xử lý… với sự phối hợp, góp sức của mỗi gia đình, nhà trường cũng như xã hội.
Đối tượng độ tuổi học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ cao
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, vừa qua, Công an thành phố Hà Nội được Bộ Công an đánh giá cao trong việc xử lý các vụ việc thanh, thiếu niên hư, tụ tập mang dao kiếm, hung khí, điều khiển mô tô gây mất trật tự xã hội. Các vụ việc xảy ra đều được điều tra, truy bắt hết các đối tượng, truy tố 100% với các trường hợp đủ tuổi; đồng thời, xét xử công khai để tuyên truyền, răn đe. “Trong các vụ việc có nhiều đối tượng ở độ tuổi học sinh. Công an thành phố đã có chuyên đề để đấu tranh phòng ngừa hiệu quả” - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.
Thông tin về điều này, Thượng tá Vũ Văn Phúc, Phó Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm cho biết, trong 7 tháng năm 2023, trên địa bàn quận chỉ xảy ra 2 vụ gây rối trật tự công cộng liên quan đến sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn nhưng đã có tới 36 đối tượng liên quan bị bắt giữ. Và qua đánh giá, phân loại, số đối tượng là học sinh, sinh viên chiếm hơn 76% trong các vụ gây rối trật tự công cộng.
Ở địa bàn ngoại thành, cuối tháng 7 vừa qua, từ công tác nắm tình hình địa bàn, Công an huyện Chương Mỹ phát hiện một số nhóm thanh thiếu niên tuổi đời từ 15 đến 17 tuổi, trú tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai và quận Hà Đông thường tụ tập, tổ chức đua xe, gây rối trật tự công cộng trên tuyến quốc lộ 6, thuộc thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Các đối tượng này đa phần đều thiếu sự quản lý của gia đình, thường xuyên lên mạng xã hội rủ nhau “đi đua” khiến dư luận bức xúc.
Xác định tính chất nghiêm trọng của các hành vi vi phạm trên, tối 29-7, lực lượng chức năng Công an huyện đã tạm giữ hàng chục đối tượng vi phạm. Qua đấu tranh, đã xác định Nguyễn Đình Hào (sinh năm 2008) trú tại quận Hà Đông, sử dụng mạng xã hội, lập nhóm lôi kéo khoảng 25 thanh thiếu niên thuộc nhiều quận, huyện khác nhau trên địa bàn để tổ chức đua xe…
Riêng trong đêm và rạng sáng 20-8, các tổ công tác 141 hóa trang và triển khai cắm chốt đã ngăn chặn xử lý nhiều thanh niên mang theo hung khí dạo phố. Điển hình, tổ công tác Y1/141 đã ngăn chặn, đuổi bắt 2 thanh niên sinh năm 2007 và 2008 cầm dao đi chơi…
Chủ động các biện pháp ngăn chặn
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố xảy ra 1.840 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 76 vụ (3,9% so với 6 tháng đầu năm 2022). Các đơn vị điều tra khám phá 1.670 vụ, 3.976 đối tượng phát hiện trong kỳ, đạt tỷ lệ khám phá 90,7%; riêng tội phạm đường phố vẫn còn diễn biến phức tạp.
Qua các vụ việc trên, Công an thành phố nhận định, việc thực hiện hành vi của các đối tượng đều mang tính bốc đồng nhưng rất côn đồ, coi thường tính mạng, sức khỏe người khác. Các đối tượng có mâu thuẫn trên mạng xã hội, sau đó đã nhắn tin chửi bới thách thức nhau… Ngoài việc chủ động kế hoạch đấu tranh tại các địa bàn, các tổ công tác 141, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự cũng chủ động nắm tình hình ngăn chặn vụ việc từ "trứng nước".
Trung tá Nguyễn Minh Quang, Đội trưởng Đội chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự thường xuyên thông báo giúp các tổ tuần tra Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, các tổ công tác 141, 142 nắm rõ phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động, đặc điểm tội phạm để bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, lập chốt trên các tuyến đường, khu vực, địa bàn, khung giờ thường xảy ra các vụ việc (đặc biệt là các địa bàn giáp ranh) nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh.
Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết thêm, lực lượng Công an đã xây dựng phương án tuần tra khép kín, các tổ trinh sát mặc thường phục thường xuyên đi tuần tra nhằm kịp thời răn đe, trấn áp các thanh thiếu niên có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng.
Thời gian tới, Công an thành phố đề nghị cần tăng cường phối hợp giữa các tổ chức chính trị, xã hội ở các cấp, nâng cao trách nhiệm của các nhà trường. Về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến khẳng định, hiện các cấp đoàn từ cơ sở cùng với cơ quan công an vẫn nắm tình hình, đặc biệt là trên không gian mạng; chú trọng tập huấn, thực hành phòng ngừa các tình huống tội phạm vị thành niên gây ra để có thể phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi gây rối của tội phạm đường phố, nhất là trong lứa tuổi chưa thành niên.
Còn Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng đưa ra giải pháp, hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc để tuyên truyền, răn đe, giáo dục, không để xảy ra các vi phạm đáng tiếc. Gia đình và tự thân mỗi đối tượng phải xác định khi tuổi còn rất trẻ mà mang bản án hay bị xử phạt thì con đường phấn đấu sẽ có nhiều khó khăn.
Có thể thấy, ngoài vai trò nòng cốt của lực lượng công an thì trách nhiệm của nhà trường, gia đình trong việc quản lý con em rất quan trọng. Do đó, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này, trước hết, gia đình phải quản lý tốt con em mình, nắm được những điều bất thường trong sinh hoạt.
Còn đối với nhà trường, thông qua công tác nắm tình hình, phát hiện sớm những trường hợp học sinh có biểu hiện tham gia tụ tập chạy xe, gây rối trật tự công cộng... và kịp thời thông báo đến lực lượng chức năng để phối hợp giải quyết, xử lý.