Sức khỏe

Hà Nội: 153/407 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động

Thu Trang - Ánh Dương 28/08/2023 - 20:40

Nếu như đầu tháng 8-2023, số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vào khoảng 500-600 ca/tuần thì hiện tại đã vượt mốc 1.000 ca/tuần. Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 407, hiện còn 153 ổ dịch đang hoạt động.

Một tuần thêm 1.056 bệnh nhân, 81 ổ dịch

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần từ ngày 18 đến 25-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.056 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng gấp 2 lần so với những tuần đầu tháng 8-2023). Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã có 5.564 ca mắc (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Trong các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân, dẫn đầu là Thạch Thất với 656 ca, tiếp đến là Thanh Trì (467 ca), Hoàng Mai (459 ca), Bắc Từ Liêm (363 ca) và Hà Đông (332 ca).

can-bo-y-te-quan-long-bien-huong-dan-nguoi-dan-diet-bo-gay.jpg
Cán bộ y tế quận Long Biên hướng dẫn người dân tìm diệt bọ gậy.

Ngoài ra, cũng trong tuần qua, thành phố có thêm 81 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã. Huyện Hoài Đức ghi nhận số ổ dịch cao nhất (với 13 ổ dịch), tiếp đến là Nam Từ Liêm (9 ổ dịch); Đống Đa (8 ổ dịch); 3 quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Trì, Ba Đình - mỗi nơi có 6 ổ dịch; 2 quận: Hà Đông, Hai Bà Trưng (5 ổ dịch); Cầu Giấy (4 ổ dịch); 3 quận, huyện: Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Xuân - mỗi nơi 3 ổ dịch…

Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay là 407. Hiện còn 153 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện; trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 362 bệnh nhân; xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất có 218 bệnh nhân; thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (229 bệnh nhân)…

benh-nhi-sxh.jpg
Chăm sóc bệnh nhi mắc sốt xuất huyết.

Tại Hà Nội, theo kết quả giám sát tuýp vi rút Dengue lưu hành năm 2023 là DEN-1 và DEN-2. Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Mạnh Hà, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đông Anh) cho biết, khi mắc tuýp vi rút DEN-2, bệnh thường nặng hơn so với các tuýp vi rút còn lại.

“Với những trường hợp sốt xuất huyết nhẹ và không triệu chứng, có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi người bệnh điều trị tại nhà, nếu có những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như sốt cao liên tục kéo dài trên 5 ngày, nôn liên tục, tăng cảm giác đau, có cảm giác đau tức ở vùng gan, vùng hạ sườn phải, xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng, rối loạn kinh nguyệt…), rối loạn ý thức (li bì, người mệt, không ăn uống được)… thì cần đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời”, bác sĩ Phạm Mạnh Hà khuyến cáo.

Tăng cường chiến dịch diệt bọ gậy

Theo CDC Hà Nội, trong tuần này, công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tiếp tục được tập trung tại các ổ dịch ở các quận, huyện như: Thạch Thất, Hà Đông, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín, Đống Đa.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn yêu cầu, Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết để tham mưu tăng cường các chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường, thị trấn. Các địa phương cũng cần huy động các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng khác tham gia hỗ trợ.

luc-luong-thanh-nien-huyen-hoai-duc-ve-sinh-moi-truong-phong-sxh.jpeg
Lực lượng thanh niên huyện Hoài Đức vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết.

Tính đến ngày 25-8, trên địa bàn quận Thanh Xuân đã ghi nhận hơn 160 bệnh nhân sốt xuất huyết. Trước tình hình dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, từ ngày 8 đến 31-8, Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân phối hợp với UBND các phường tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy đợt 3 tại 11/11 phường.

Trong chiến dịch lần này, quận Thanh Xuân đã huy động 39 cán bộ y tế và cộng tác viên trực tiếp đến các hộ gia đình hướng dẫn người dân chủ động kiểm tra, phát hiện và diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thường xuyên thau rửa, đậy kín bể và các vật dụng chứa nước; thả cá để diệt bọ gậy; loại bỏ những dụng cụ chứa nước; khuyến cáo, hướng dẫn người dân ngủ màn ngay cả ban ngày; mặc quần áo dài tay; dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi…

Tương tự, tại huyện Hoài Đức, toàn huyện đã triển khai 3 đợt tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.

“Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch sốt xuất huyết; giám sát, phát hiện sớm bệnh nhân tại bệnh viện và cộng đồng; xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh; đồng thời, giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ để nhận định, xử lý triệt để, tránh phát sinh bệnh nhân mới”, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trần Quang Tuấn thông tin.