Giám sát chặt các cơ sở cấp nước sạch, nước sinh hoạt tập trung
Đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát tự động liên tục, kết nối truyền dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với cơ sở cấp nước sạch, cấp nước sinh hoạt tập trung.
Chiều 28-8, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng Luật Tài nguyên nước sửa đổi theo 4 nhóm chính sách lớn, bảo đảm quản lý toàn diện về nước từ bảo vệ, phát triển, điều hòa, phân phối, đến khai thác, sử dụng và phòng chống tác hại do nước gây ra.
Bên cạnh đó, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao; hiện các loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản. Do đó, đề nghị không bổ sung 2 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nội dung quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tài nguyên nước. Đồng thời, bổ sung riêng quy định về bảo vệ nguồn nước mặt. Về điều hòa, phân phối tài nguyên nước, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về căn cứ, nguyên tắc, giải pháp điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua biện pháp công trình, giải pháp phi công trình; bổ sung trách nhiệm các bộ, UBND tỉnh trên lưu vực sông trong điều hòa, phân phối tài nguyên nước.
Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, để tránh chồng chéo trong quản lý nước sinh hoạt, dự thảo Luật chỉ quy định một số nguyên tắc về yêu cầu quản lý và bảo đảm chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt. Còn các nội dung cụ thể về khai thác nước cho sinh hoạt sẽ được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện theo pháp luật chuyên ngành về cấp thoát nước.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bổ sung quy định việc cấp nước sinh hoạt ở cả hai quy mô cấp nước tập trung kết hợp với phân tán, tách riêng nội dung quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Cho ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần bảo vệ nguồn nước ngầm để bảo vệ an ninh nguồn nước. Ngoài ra, việc bảo vệ, chống cạn kiệt nguồn nước mặt cũng cần được quan tâm hơn, đồng thời cũng cần chú ý đến công tác bảo vệ an toàn hồ đập, tăng khả năng chịu tải của hồ đập nhằm bảo vệ an toàn cho nhân dân ở vùng lũ…
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị bổ sung quy định về nghiên cứu giải pháp công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt. “Cần xem xét, bổ sung việc giám sát tự động liên tục chất lượng nguồn nước khai thác và kết nối truyền dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với cơ sở cấp nước sạch, cấp nước sinh hoạt tập trung”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) cho biết, dự thảo Luật đang quy định giấy phép khai thác tài nguyên nước gồm: Giấy phép khai thác nước mặt; giấy phép khai thác nước dưới đất; giấy phép khai thác nước biển. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lại chưa hề có quy định nào về thời hạn của các loại giấy phép này. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về thời hạn giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Đề cập quy định việc chuyển nguồn nước giữa các lưu vực sông, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến an toàn hệ sinh thái, tôn trọng tự nhiên và bảo vệ sinh thái tự nhiên. “Nếu như chúng ta tiếp tục cho phép chuyển nguồn nước dù có kiểm soát thì ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong lưu vực sông. Do đó, cần cấm hẳn việc chuyển nguồn nước giữa các lưu vực sông và có thể đưa nội dung này vào Luật”, đại biểu nói.
Về quy định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) đề nghị cân nhắc quy định giao UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa bậc thang trên sông, suối. Bởi thực tế điều kiện, nhân lực, nguồn lực quản lý về tài nguyên nước tại địa phương hiện nay còn thiếu và yếu, chưa bảo đảm để thực hiện nội dung này.