Chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Gỡ khó bằng cách nào?
Thời gian qua, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được các sở, ngành chức năng quan tâm, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn.
Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói chung và việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai nói riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn chậm và còn nhiều bất cập.
Khó từ chia tách thửa đến cấp mới
Hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như một số thủ tục khác liên quan đến đất đai vẫn là một trong những thủ tục khó đối với nhiều người dân và cán bộ cơ sở.
Tại các huyện Thạch Thất, Ba Vì và thị xã Sơn Tây… nhiều hộ dân gặp khó khăn khi chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng do thủ tục chia tách thửa đất còn có vướng mắc. Cụ thể, sau hơn một năm thành phố Hà Nội cho dừng chia tách thửa đất, cuối tháng 4-2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2869/STNMT-ĐKTKĐĐ, bãi bỏ Văn bản số 1685/STNMT-ĐKTKĐĐ ban hành ngày 22-3-2022.
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định. Song, đến nay, việc thực hiện chia tách đối với các thửa đất có đất thổ cư kèm các loại đất khác như đất vườn, đất trồng cây lâu năm… vẫn chưa thực hiện được.
Ông Kiều Xuân Cù (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) cho biết: “Gia đình tôi có thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2003, bao gồm cả đất thổ cư và đất vườn. Gia đình tôi muốn chia tách làm 2 thửa cho con, song vẫn chưa thực hiện được do phải chờ hướng dẫn thủ tục chia tách”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thủy (xã Ba Trại, huyện Ba Vì), hơn một năm nay, người dân phải dừng chia tách thửa đất, không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người sử dụng đất, mà còn tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Vì thế, các đơn vị chức năng khi xây dựng, ban hành văn bản cần bảo đảm tính hợp pháp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và khi tháo gỡ cần phải triệt để.
Ngoài thủ tục về chia tách thửa, các thủ tục khác liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cũng hết sức khó khăn. Từ đầu năm đến nay, huyện Ứng Hòa mới cấp được 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới. Chủ tịch HĐND xã Liên Bạt (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay là một trong những lĩnh vực “nóng”, khó và còn nhiều lúng túng, cả về phía cán bộ cơ sở cũng như người dân.
Tương tự, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Hoài Đức cũng còn hạn chế, nhất là tình trạng chậm thực hiện thủ tục hành chính. Có những trường hợp để quá hạn thời gian dài, gây phiền hà cho người dân trong việc cấp sổ đỏ, như ở thị trấn Trạm Trôi, các xã: An Thượng, An Khánh, Kim Chung, Di Trạch…
Làm rõ hướng dẫn, cơ chế giám sát
Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ứng Hòa Dương Tuấn Anh, huyện còn khoảng 800 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu bị tồn đọng. Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân có thể nộp hồ sơ tại UBND xã hoặc bộ phận "một cửa" của văn phòng đăng ký đất đai đặt tại huyện. Song, thực tế, việc tiếp nhận qua văn phòng đăng ký đất đai còn khó, hồ sơ phải chỉnh sửa, trả lại nhiều lần. Nhiều hồ sơ bị trả lại, bản thân phòng tài nguyên và môi trường là đơn vị tham gia thẩm định hồ sơ cấp mới cũng không biết lý do gì hồ sơ không đạt.
“UBND thành phố cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường đã phân cấp, phân quyền và công bố rõ các thủ tục hành chính về đất đai. Do đó, cần có cơ chế giám sát việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại văn phòng đăng ký đất đai để thường xuyên báo cáo UBND huyện các trường hợp hồ sơ bị trả lại, chỉnh sửa và công khai lý do, hướng dẫn cụ thể cách chỉnh sửa, để cán bộ địa chính cơ sở, người dân… nắm rõ, rút kinh nghiệm và phối hợp thực hiện tốt hơn”, ông Dương Tuấn Anh đề xuất.
Theo ông Phạm Xuân Hải, cán bộ địa chính thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên), các thông tin liên quan đến chính sách về đất đai được người dân cập nhật rất nhanh nên cán bộ cơ sở rất áp lực khi thực thi công vụ nếu chưa có hướng dẫn cụ thể của thành phố, ngành. Do đó, các bộ, ngành khi ban hành các văn bản, quy định pháp luật liên quan đến đất đai, cần có hướng dẫn sớm để địa phương, cơ sở thuận lợi trong việc thực thi công vụ.
Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố và các chi nhánh cần sớm phối hợp với các cấp ủy, chính quyền quận, huyện, thị xã trong việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, ý thức công vụ cho đội ngũ cán bộ địa chính, quản lý đất đai các cấp. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp, bảo đảm hoạt động hiệu quả; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hệ thống văn phòng đăng ký đất đai.