Đô thị

Quản lý, vận hành nhà chung cư: Bao giờ giải quyết dứt điểm các bất cập?

Việt Tuấn 28/08/2023 - 06:58

Công tác quản lý, vận hành nhà chung cư bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập do tranh chấp về diện tích thuộc sở hữu chung (nơi để xe máy, xe đạp...); nhiều chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai, vi phạm quy hoạch, thiết kế được duyệt, ảnh hưởng đến quyền lợi của hộ dân; chậm bàn giao quỹ bảo trì phần sở hữu chung, chậm thành lập ban quản trị...

Đây là vấn đề được Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội ghi nhận qua đợt khảo sát mới đây về công tác quản lý nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

chungcu.jpg
Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội và tổ đại biểu HĐND thành phố tại quận Thanh Xuân khảo sát diện tích chung tại tòa nhà chung cư King Palace (108 đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình).

Nhiều vướng mắc dẫn đến tranh chấp

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.135 cụm (tòa) nhà chung cư thương mại, nhà ở xã hội (trong đó có 132 tòa nhà chung cư xây dựng trước khi có Luật Nhà ở) đã đưa vào sử dụng. Có 820 tòa nhà thành lập được ban quản trị nhà chung cư; 804/820 nhà chung cư bàn giao hồ sơ cho ban quản trị; 640/820 nhà chung cư có kinh phí bảo trì 2% bàn giao cho ban quản trị (không tính 132 tòa nhà chung cư xây dựng trước khi có Luật Nhà ở không có kinh phí bảo trì); 802/820 nhà chung cư bàn giao diện tích sở hữu chung cho ban quản trị; 700/820 nhà chung cư bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng cho ban quản trị (không tính nhà chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở không có phòng sinh hoạt cộng đồng).

Toàn thành phố có 199 tòa chung cư tái định cư, mới thành lập 58 ban quản trị và bàn giao hồ sơ, kinh phí bảo trì, diện tích chung, riêng. Đối với các tòa nhà chưa thành lập ban quản trị do Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở quản lý, vận hành.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, hiện còn nhiều vướng mắc dẫn đến các tranh chấp trong quá trình quản lý, vận hành nhà chung cư. Một số chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị; một số tòa nhà chung cư người dân không tham gia vào ban quản trị... Công tác bàn giao hồ sơ nhà chung cư, vì nhiều nguyên nhân cũng dẫn đến việc chậm bàn giao.

Cùng với đó, một số tranh chấp về diện tích thuộc sở hữu chung nhà chung cư (nơi để xe máy, xe đạp); một số chủ đầu tư chây ỳ trong việc phân định, công khai và bàn giao diện tích chung, riêng cho ban quản trị. Chưa kể, nhiều tòa nhà, chủ đầu tư quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì không đúng mục đích; một số dự án chưa được nghiệm thu đã đưa người vào ở...

Sớm vào cuộc giải quyết, tháo gỡ

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, trên địa bàn quận Thanh Xuân có 108 tòa nhà chung cư đã đưa vào sử dụng. Trước nhiều đơn thư, kiến nghị về những khó khăn, bất cập trong quản lý nhà chung cư, quận đã kiểm tra, giải quyết được 7 đơn kiến nghị. Thời gian tới, UBND quận tiếp tục kiểm tra công tác quản lý sử dụng nhà chung cư đối với các tòa nhà mới đưa vào sử dụng, các tòa nhà có đơn thư, kiến nghị, tranh chấp và các tòa nhà chưa thực hiện việc bàn giao tiếp nhận hồ sơ nhà chung cư, kinh phí bảo trì và phân định diện tích sử dụng chung, sử dụng riêng.

Tại quận Bắc Từ Liêm, đối với 12 tòa nhà chung cư đang tranh chấp về sở hữu, quản lý, sử dụng diện tích để xe ô tô…, UBND quận sẽ chỉ đạo UBND các phường thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư, ban quản trị tổ chức hội nghị nhà chung cư; thực hiện phân định diện tích chung, riêng, bàn giao kinh phí bảo trì để công tác quản lý, vận hành nhà chung cư được bảo đảm theo quy định.

Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân, trước những khó khăn, vướng mắc, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc giải quyết, tháo gỡ. Trong đó, đối với dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư khắc phục tồn tại, hoàn thiện hồ sơ pháp lý làm cơ sở để xem xét, cấp giấy chứng nhận cho chủ sở hữu căn hộ.

Đối với dự án mới đang triển khai, các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện nơi có nhà chung cư cần tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm đối với chủ đầu tư ngay từ ban đầu làm cơ sở để hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận theo quy định... Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành nhà chung cư để chủ đầu tư và người dân nắm được, thực hiện quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định, hạn chế phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.

Sở Xây dựng Hà Nội cũng cần kịp thời tham mưu cho UBND thành phố góp ý với Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Nhà ở cho phù hợp với tình hình thực tiễn; kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn thành phố.