“Rào cản” của châu Âu trong cuộc đua chuyển sang ô tô điện
Theo Guardian, bất chấp những cam kết hướng tới mục tiêu không phát thải vào năm 2045, giá xe điện cao vẫn khiến chính phủ các nước châu Âu gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dân chuyển từ ô tô động cơ đốt trong sang ô tô điện.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA), doanh số bán ô tô điện ở châu Âu hiện gấp 10 lần so với 6 năm trước, nhưng ngành công nghiệp này của Liên minh châu Âu vẫn bị đánh giá là phản ứng quá chậm để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu. Các nước châu Âu đang phải vật lộn với mức giá của xe điện có thể đắt hơn vài nghìn euro so với những chiếc ô tô tương đương chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Julia Poliscanova, nhà phân tích của nhóm vận động giao thông và môi trường, cho biết: “Sự khuyến khích việc mua và sở hữu xe điện là chưa đủ. Bạn cũng phải ngừng ủng hộ việc mua ô tô thông thường".
Việc EU chuyển sang sử dụng ô tô điện là một phần trong cam kết cắt giảm 65% lượng ô nhiễm so với mức của năm 1990 vào cuối thập kỷ này và đạt mức 0% vào năm 2045. Nhưng ngay cả khi EU đã cắt giảm lượng khí thải trong ngành điện, tăng tua-bin gió và đóng cửa các nhà máy than, thì lượng khí thải từ giao thông đường bộ vẫn tăng đều đặn.
Theo Christian Hochfeld, người đứng đầu Agora Verkehrswende - một tổ chức nghiên cứu về giao thông sạch ở Đức, vì hầu hết các giải pháp thay thế ô tô đều tốn thời gian và tiền bạc để xây dựng nên việc chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện là “vấn đề quan trọng nhất” để giảm lượng khí thải trong thập kỷ tới.
EU có kế hoạch giảm lượng khí thải ô tô xuống 55% so với mức của năm 2021 vào cuối thập kỷ này và xuống 0% vào năm 2035. Tuy nhiên, khách hàng cảm thấy khó chịu trước mức giá trả trước khá cao của ô tô điện, ngay cả khi họ sẽ trả hết trong tương lai thông qua chi phí vận hành thấp hơn.
Để giải quyết vấn đề này, các quốc gia châu Âu cung cấp cho khách hàng những ưu đãi tài chính để mua ô tô "sạch". Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), 21 trong số 27 quốc gia thành viên EU đưa ra ưu đãi giảm thuế khi mua ô tô có hàm lượng carbon thấp và 20 quốc gia cung cấp tiền để hỗ trợ mua hàng.
Romania hỗ trợ tới 11.500 euro cho người mua xe điện. Bỉ có các ưu đãi dành cho ô tô của công ty, loại xe chiếm phần lớn doanh số bán ô tô mới và đóng vai trò là kênh dẫn đến thị trường ô tô cũ mà nhiều người có đủ khả năng chi trả. Italia và Tây Ban Nha đóng góp vào chi phí cơ sở hạ tầng để sạc xe điện. Pháp đưa ra khoản thưởng 5.000 euro khi mua hàng và miễn phạt xe điện dựa trên trọng lượng.
Trong nỗ lực thuyết phục các hộ gia đình nghèo sử dụng ô tô điện, Pháp đã công bố kế hoạch về chương trình cho thuê xã hội, cho phép “những người cần nó nhất” thuê một ô tô điện với giá 100 euro mỗi tháng.
Trong khi đó, tại Đức, chính phủ nước này đã cắt giảm trợ cấp cho xe điện do số người mua chúng tăng vọt. Đức là thị trường ô tô lớn và gây ô nhiễm lớn nhất châu Âu. Mặc dù quốc gia này đánh thuế quyền sở hữu ô tô và miễn thuế đối với xe điện nhưng lại không đánh thuế việc mua ô tô, thời điểm mà người tiêu dùng quyết định có nên mua chiếc xe đó hay không.
Các nhà kinh tế cho rằng sẽ công bằng hơn nếu đánh thuế xe tại thời điểm mua và trợ cấp cho xe điện thông qua đó. Marc Lüers, giám đốc điều hành của thị trường trực tuyến Carwow cho biết, ngoài giá xe, “hai mối quan tâm lớn nhất của người mua xe điện ở Đức là cơ sở hạ tầng sạc điện và giá điện”.
Theo ACEA, chỉ có 7 quốc gia EU đưa ra các ưu đãi cho việc thu phí cơ sở hạ tầng. Gracia Brückmann, nhà nghiên cứu năng lượng tại Đại học Berne cho biết, để thúc đẩy việc sử dụng ô tô điện, số lượng các chính sách khác nhau cũng như chất lượng đều quan trọng.
Ví dụ, ở Na Uy, nơi có 9 trong 10 ô tô mới bán ra là xe điện hoặc xe hybrid, chính phủ đã đưa ra một loạt ưu đãi cho xe điện ngay từ những năm 1990, nhưng sau đó đã loại bỏ dần. Cùng với việc giảm thuế, chính phủ nước này còn cung cấp bãi đậu xe miễn phí, quyền tiếp cận phà và quyền lái xe trên làn đường xe buýt.
Brückmann nhận định, các chính phủ càng áp dụng nhiều chính sách thì tổng lượng khí thải của hệ thống xe ô tô càng giảm theo thời gian.