Đa dạng hình thức phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc
Trong một tháng - từ ngày 3-7 đến 2-8, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: Luật Đất đai, Luật Thủ đô, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo...
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, Thủ đô nói chung.
Nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật
Đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực I thuộc 4 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức). Hiện có trên 108 nghìn người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 1,3% dân số toàn thành phố.
Địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vùng đặc thù chiến lược về công tác an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, trình độ phát triển vẫn còn khoảng cách khá xa so với vùng đồng bằng, đô thị của Thủ đô, trong đó bao gồm cả khoảng cách về hiểu biết pháp luật. Để thu hẹp khoảng cách này, những năm qua, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng cường triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật.
Tham dự hội nghị tập huấn, bà Bạch Tố Uyên, dân tộc Mường, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ba Trại, huyện Ba Vì, nhận xét: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở diễn ra khá thường xuyên. Ngoài cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội cũng rất tích cực tham gia vào công tác này. Cụ thể, nội dung tuyên truyền, giáo dục được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tiễn từ cả hai phía. Theo đó, phía cung cấp nội dung là cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức hội, đoàn thể vừa chủ động thông tin tuyên truyền những điều luật thiết thực đang có hiệu lực thi hành, vừa khảo sát nhu cầu thực tiễn tại các địa phương để tuyên truyền, phổ biến các nội dung pháp luật mà địa phương quan tâm.
Giữa những ngày hè nóng bức với nhiệt độ ngoài trời gần 40oC, hội trường gần 200 chỗ ngồi của xã Yên Bài, huyện Ba Vì, không còn chỗ trống, điều đó cho thấy ở cơ sở, bà con thực sự có nhu cầu tìm hiểu pháp luật. Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Thực, dân tộc Mường, ở thôn Quýt, vẫn quyết định tạm gác công việc đồng áng, theo xe hàng xóm ra trung tâm xã cách nhà gần 4km để nghe tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới.
Tham dự hội nghị tập huấn với bà con dân tộc trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được tăng cường. Nhờ đó, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội được nâng cao. Trong đó, Trung tâm học tập cộng đồng và Hội Khuyến học của xã phối hợp với cấp trên tổ chức tập huấn, tuyên truyền pháp luật cho 350 lượt người tham gia học tập, nâng cao kiến thức pháp luật, được nhân dân tích cực hưởng ứng.
Đổi mới hình thức, phương pháp truyền đạt
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt, giảng viên Học viện Phụ nữ, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, muốn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thì cần thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp truyền đạt, làm sao cho phù hợp với đặc thù riêng về tâm lý, phong tục tập quán, trình độ văn hóa, giúp đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận.
Muốn vậy, người báo cáo viên phải nắm rất chắc nội dung chuyên đề tuyên truyền, có kinh nghiệm thực tiễn, có kỹ năng sư phạm, biết vận dụng thông tin, những câu chuyện thường xuyên diễn ra trong thực tế đời sống để minh họa, giải thích cho các điều luật một cách sinh động, dễ hiểu. Có như thế thì đối tượng tiếp nhận mới hào hứng lắng nghe.
Chia sẻ về phương pháp tuyên truyền tại các hội nghị tập huấn, bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội cho biết: Nơi nào đang nổi lên các vấn đề liên quan đến đất đai thì tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Đất đai; nơi nào có sự phức tạp về môi trường thì tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường... Không chỉ tuyên truyền một chiều từ trên xuống mà tôn trọng, cố gắng đáp ứng cao nhất nội dung mà người dân muốn nghe, muốn biết, muốn tìm hiểu. Cách làm có trọng tâm, trọng điểm như vậy sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo sát với thực tế, trúng với mong mỏi của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, tránh qua loa, hình thức, lãng phí thời gian của tất cả các bên.
Hiện nay, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội đã xây dựng mạng lưới báo cáo viên gồm những giảng viên có trình độ cao thuộc các trường đại học, học viện, nhà quản lý của các ngành chức năng trực tiếp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho 3 nhóm đối tượng. Ở cấp huyện là lãnh đạo và cán bộ phòng Dân tộc huyện Ba Vì; lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác dân tộc ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và đội ngũ báo cáo viên pháp luật của các huyện nói trên.
Ở cấp xã là đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; cán bộ văn hóa, cán bộ tư pháp, cán bộ phụ trách công tác dân tộc và tuyên truyền viên pháp luật ở các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ở cấp thôn là bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó thôn, trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng chi hội Nông dân, Phụ nữ, hòa giải viên, người có uy tín, đại biểu tiêu biểu tại các thôn, cụm dân cư. Các nhóm này có mối liên hệ mật thiết, thường xuyên với nhân dân. Khi được nghe các giảng viên, báo cáo viên truyền đạt, một mặt họ được cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật, mặt khác cũng học được phong cách, kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục để vận dụng trở lại phục vụ cho công việc hằng ngày của mình.
Trong 15 năm qua, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức được trên 100 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn về chính sách dân tộc, bình đẳng giới, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... cho gần 30.000 lượt cán bộ cơ sở, giúp họ trở thành hạt nhân tiếp tục lan tỏa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn.
Ngoài ra, Hà Nội còn thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khác, như: Phát hành định kỳ hằng quý Bản tin Dân tộc Hà Nội; cập nhật, đăng tải thông tin liên quan trên Cổng thông tin điện tử của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội; tổ chức Hội thi “Tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình”; biên soạn, xuất bản 5.000 cuốn sổ tay chính sách, pháp luật và hơn 300.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật.
Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của thành phố. Nhờ đó, đại bộ phận nhân dân phấn khởi, tin tưởng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.