Bất động sản

Chung tay "cứu" thị trường bất động sản

Hà Linh 27/08/2023 - 07:07

Cùng với việc “nới” điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, các ngân hàng thương mại còn triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất thấp. Có thể nói, cùng với các ngành kinh tế khác, ngành Ngân hàng đang chung tay “cứu” thị trường bất động sản.

bat-ds.jpg
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các chính sách cho vay để hỗ trợ thị trường bất động sản sớm hồi phục. Ảnh: Quang Thái

Thách thức với cả ngân hàng

Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tín dụng bất động sản tăng trưởng 17,41%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Ngược lại, tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm 1,12%. Đây cũng là năm đầu tiên trong 3 năm gần đây, dư nợ tín dụng tiêu dùng bất động sản có xu hướng giảm. Thời điểm cuối năm 2022, tín dụng lĩnh vực này tăng 31,01%. Nếu tại thời điểm cuối năm 2022, doanh nghiệp bất động sản vay 803.000 tỷ đồng thì trong 6 tháng đầu năm 2023 doanh nghiệp bất động sản chỉ vay thêm hơn 140.000 tỷ đồng.

Những khó khăn của ngành bất động sản cũng đang đặt ra thách thức cho ngành Ngân hàng. Cụ thể, áp lực đáo hạn trái phiếu trong năm 2023 ước tính ở mức 235.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn khoảng 100.000 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp không thanh toán được nợ, các ngân hàng sẽ chuyển nợ xuống nhóm thấp hơn và phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn.

Ngoài ra, các ngân hàng còn canh cánh nỗi lo khác là khoảng 75% giá trị tài sản bảo đảm cho tổng dư nợ 12 triệu tỷ đồng ở hệ thống ngân hàng là bất động sản. Nếu thị trường đóng băng không có sức cầu sẽ sinh ra nhiều hệ lụy.

Theo các chuyên gia, nhu cầu tín dụng bất động sản thường là trung và dài hạn. Hiện nay khoảng 94% dư nợ có thời gian 10-25 năm. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường, với khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn. Do đó, nếu các tổ chức tín dụng không cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, có thể phải đối mặt với rủi ro thanh khoản.

Hỗ trợ thị trường hồi phục

Để hỗ trợ thị trường bất động sản sớm hồi phục, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời điều chỉnh các chính sách cho vay. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp bất động sản.

Đối với các ngân hàng thương mại, hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã được triển khai. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) dành 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất hỗ trợ 2% để cho vay đối tượng đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Theo lãnh đạo Agribank, từ đầu năm đến nay, ngân hàng này đã có 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Lãi suất các khoản cho vay thông thường phát sinh mới giảm 2-4%/năm so với đầu năm. Agribank cũng điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3% đối với khách hàng là pháp nhân vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn...

Ngoài Agribank, ngay trong tháng này, 3 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đồng loạt đưa mức lãi suất cho vay với khách hàng cũ về dưới 10%/năm.

Các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng vay vốn bất động sản. Chẳng hạn, Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) có chương trình ưu đãi giảm lãi suất 1-2% (chỉ còn 8,5%/năm) với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà. Người vay được hỗ trợ lên tới 100% nhu cầu vốn với thời hạn vay lên đến 30 năm.

Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng thương mại cũng cho rằng, thị trường bất động sản không nên chỉ dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, mà cần nâng cao khả năng huy động vốn từ các nguồn khác như từ thị trường chứng khoán, vốn FDI... Về lâu dài, để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững cần thực hiện các giải pháp tổng thể, với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai các giải pháp cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng thực hiện các giải pháp kiểm soát soát rủi ro đối với tín dụng bất động sản, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả của người dân. Ngành Ngân hàng đang tiếp tục tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất; thực hiện nghiêm quy định về tỷ lệ an toàn, giới hạn tín dụng; mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng, thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.