Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Ít ngày nữa, cùng với cả nước, hơn 2,2 triệu học sinh của thành phố Hà Nội chính thức bước vào năm học 2023-2024. Dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, song việc bảo đảm an toàn cho học sinh vẫn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Những khó khăn, ảnh hưởng do dịch bệnh và yêu cầu nhiệm vụ, đòi hỏi của xã hội đang đặt ra nhiều thách thức trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương để hiểu rõ hơn nhiệm vụ trọng tâm năm học mới.
Nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo đảm an toàn trường học
- Thưa ông, thời điểm này, ngành Giáo dục Thủ đô đã chuẩn bị các điều kiện đón năm học mới ra sao?
- Toàn thành phố hiện có hơn 2.800 trường học với hơn 2,2 triệu học sinh. Sở đã yêu cầu các đơn vị, trường học chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón học sinh tựu trường và tham dự lễ khai giảng. Tất cả các nhà trường sẽ đồng loạt tổ chức lễ khai giảng vào buổi sáng 5-9 với yêu cầu bảo đảm trang trọng, ngắn gọn và lấy học sinh làm trung tâm, quan tâm đến học sinh đầu cấp. Sở cũng đã yêu cầu các nhà trường tổng vệ sinh môi trường, trang hoàng trường lớp, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi…
Các nhà trường cần có biện pháp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc diện chính sách... Ngành Giáo dục Thủ đô đã tiếp tục phát động phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng sách giáo khoa, quần áo, đồ dùng học tập… để không học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể đến trường.
- Sự việc một học sinh vừa bị tai nạn đuối nước tại bể bơi ở trường (quận Hà Đông) khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Giải pháp nào để hạn chế tối đa tai nạn thương tích?
- Đây thực sự là sự việc đáng tiếc. Nguyên nhân đã được cơ quan chức năng xác định và đang giải quyết. Để ngăn chặn tai nạn thương tích cho học sinh, năm học nào Sở cũng có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh với yêu cầu từng cán bộ, giáo viên, nhân viên nêu cao tinh thần trách nhiệm; tổ chức và phân công rõ người, kín việc để không xảy ra sơ suất. Ngày 23-8, Sở đã gửi văn bản tới 30 trưởng phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng các nhà trường, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trong đó nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn cho học sinh.
Các trường đưa đón học sinh bằng xe ô tô phải có các giải pháp bảo đảm an toàn. Sở cũng yêu cầu các trường tăng cường hướng dẫn học sinh kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích khi tham gia các hoạt động giáo dục, ở nhà và khi tham gia giao thông...
- Với quy mô học sinh nhiều nhất cả nước, trong đó số lượng học sinh bán trú rất lớn, xin ông cho biết giải pháp nào để bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh xảy ra ngộ độc?
- Thực hiện chỉ đạo của Sở, các trường có bếp ăn tập thể đã kiểm tra mọi điều kiện đáp ứng việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú và tổng vệ sinh bếp ăn. Thời điểm này, các trường đều cam kết lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ cung ứng thực phẩm uy tín, đủ căn cứ pháp lý và có quy trình giám sát chặt chẽ, có sự tham gia của phụ huynh học sinh.
Bảo đảm điều kiện dạy học chất lượng
- Khó khăn chung của các địa phương, trong đó có Hà Nội là thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hà Nội tháo gỡ khó khăn này thế nào khi chỉ còn ít ngày nữa là khai giảng?
- Với gần 123.000 giáo viên như hiện nay, về cơ bản thành phố Hà Nội không thiếu giáo viên; việc thiếu giáo viên chỉ xảy ra cục bộ. Để giải quyết tình trạng này, vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023, trong đó bổ sung cho ngành giáo dục 3.112 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng.
Sở cũng vừa tổ chức tuyển dụng hơn 600 giáo viên các trường trực thuộc (chủ yếu là các trường trung học phổ thông); các quận, huyện, thị xã cũng đang tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; đồng thời triển khai ký hợp đồng với 3.112 giáo viên theo nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội. Như vậy, có hơn 6.000 giáo viên các cấp học được bổ sung vào đội ngũ giáo viên hiện có, đủ để các nhà trường thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng.
- Các khoản thu đầu năm học mới luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh học sinh quan tâm. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có chỉ đạo, giám sát vấn đề này như thế nào để ngăn chặn hiện tượng lạm thu?
- Sở đã có các văn bản hướng dẫn thu, chi đối với trường học công lập, bảo đảm công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ và tuyệt đối không được lạm thu. Trong các hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới ở từng cấp học, lãnh đạo ngành đều nhấn mạnh yêu cầu, ngoài các khoản thu theo quy định các trường không được thu bất kỳ khoản nào khác; không được lợi dụng danh nghĩa cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Sở cũng lưu ý các trường không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về các khoản thu sai quy định.
Về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, Sở yêu cầu thực hiện theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2011. Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thu - chi đầu năm học và công bố số điện thoại đường dây nóng để phụ huynh học sinh kịp thời phản ánh vấn đề liên quan.
- Tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị Hà Nội giải quyết dứt điểm hiện tượng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ. Ông có thể chia sẻ về giải pháp sẽ được ngành Giáo dục thành phố triển khai?
- Với áp lực từ việc gia tăng dân số cơ học, số học sinh hằng năm tăng mạnh, công tác tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những hạn chế, tồn tại được Sở thẳng thắn nhận diện. Sở đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó có việc tham mưu lãnh đạo thành phố tăng cường nguồn lực đầu tư, ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học; rà soát quy hoạch mạng lưới trường học; tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp...
Một trong những giải pháp quan trọng trong năm học mới là tăng cường các điều kiện hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quyết tâm tổ chức tuyển sinh trực tuyến từ năm học 2024-2025 ở tất cả các trường. Giải pháp này nhằm tăng tính minh bạch, công khai và công bằng, từ đó chấm dứt việc phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ.
- Hà Nội vừa đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép nâng tầng các trường học trong khu vực nội thành. Theo ông, đây có phải là giải pháp căn cơ để giải quyết khó khăn về việc thiếu chỗ học cục bộ hiện nay không?
- Thành phố Hà Nội có tình trạng tăng dân số cơ học rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng từ 50.000 đến 60.000 học sinh, tương ứng với việc cần phải xây mới từ 30 đến 40 trường học. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất ở các quận hạn hẹp, việc xây mới trường học rất khó khăn. Vì vậy, Hà Nội vừa có đề nghị các cấp xem xét, cho phép Hà Nội nâng tầng các trường học ở khu vực nội thành.
Cùng với các giải pháp quan trọng khác đang triển khai như phát triển mạng lưới trường học; tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, ưu tiên đầu tư cho các trường học ở địa bàn khó khăn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia..., Hà Nội đang nỗ lực khắc phục những mặt còn tồn tại, quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện, giảm dần khoảng cách về chất lượng giữa các địa bàn.
- Trân trọng cảm ơn ông!