Phát triển doanh nghiệp bền vững: Tăng cạnh tranh qua chuỗi cung ứng xanh
Chuyển dịch theo hướng xanh là xu thế tất yếu đối với doanh nghiệp nhằm đáp ứng tốt hơn những yêu cầu từ tiêu chuẩn, quy định về môi trường, nâng cao sức cạnh tranh. Để thực hiện việc này, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, cần nhiều giải pháp, trong đó có chính sách ưu tiên, hỗ trợ.
Đây là nội dung được tập trung thảo luận tại Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2023 với chủ đề: “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam tổ chức ngày 23-8, tại Hà Nội.
Xu thế tất yếu
Ước tính, nếu không có những hành động mạnh mẽ, đến năm 2029 nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, khi đó hơn 1,7 tỷ người sẽ phải đối mặt với nguy cơ đói, nghèo, mất an ninh năng lượng…
Vì vậy, chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là một trong những xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và dành nhiều ưu tiên. Trong phát triển xanh, doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng. Bởi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có thể quyết định mức phát thải khí nhà kính.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam Nguyễn Quang Vinh cho biết, quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích, bao gồm thiết kế xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải, sản xuất xanh… Khi các mắt xích đều “xanh”, doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi trước các cú sốc của thị trường.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn đang tiên phong thực hiện các giải pháp phát triển bền vững. Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 - CTCP Hà Mạnh cho hay, doanh nghiệp đã chú trọng chuyển dịch sản xuất xanh bằng việc đầu tư đổi mới công nghệ để giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải. Nếu như trước đây, doanh nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch trong sản xuất thì gần đây đã chuyển sang sử dụng nhiên liệu tái chế từ rác thải, vừa giúp giảm chi phí vận hành, vừa giảm phát thải các bon... Với việc giảm thiểu các bon trong sản xuất, doanh nghiệp khẳng định uy tín với khách hàng.
Giám đốc đối ngoại Công ty Lazada Việt Nam Vũ Thị Minh Tú chia sẻ, Lazada ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo nhằm tối ưu hóa hoạt động vận hành, phân loại hàng hóa, đóng gói, vận chuyển… Nhờ đó, một nhân viên của Lazada mỗi ngày có thể giao hơn 200 đơn hàng nhờ sử dụng công nghệ tối ưu hóa quãng đường. Năm 2023, công ty đã thí điểm đưa vào sử dụng 50 xe đạp điện và 100 xe máy điện trong giao hàng nhằm giảm khí thải.
Để giảm thiểu nguyên, vật liệu, đặc biệt là rác thải nhựa, công ty đã tái sử dụng bìa các tông cũ để chèn lót sản phẩm. Tại những tháng cao điểm năm 2021, nhờ sáng kiến này, công ty tiết giảm 2 tấn nguyên, vật liệu nhựa trong đóng gói/tháng. Đầu năm 2023, Lazada phát hành cuốn sổ tay hướng dẫn đóng gói hiệu quả và thân thiện với môi trường, giúp nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử có thể biết được cách đóng gói chuẩn, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế.
Cần kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn
Có thể nói, chuyển đổi xanh mang lại tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp; gắn lợi nhuận bền vững với văn hóa, xã hội và môi trường. Không dừng ở đó, sân chơi này sẽ mang đến cho doanh nghiệp cơ hội dẫn đầu xu thế phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, lưu trữ năng lượng…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Vinh, với cơ cấu hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc chuyển đổi trong cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhiều thách thức, như thiếu am hiểu cần thiết để đáp ứng các chuẩn mực cao về môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị doanh nghiệp; hạn chế về nguồn lực; hạn chế về công nghệ sản xuất cũ và khó có thể thay thế ngay; khung hành lang pháp lý chưa đồng bộ... Vì vậy, Chính phủ cần sớm ban hành kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ sở dữ liệu kết nối quy hoạch vùng, khu công nghiệp.
Bên cạnh đó là xây dựng chính sách thuế đối với các sản phẩm áp dụng kinh tế tuần hoàn có thể cạnh tranh cũng như được sự chấp nhận từ người tiêu dùng; ưu đãi về thuế trong áp dụng công nghệ mới để giảm thải các bon. Cùng với đó là nhanh chóng hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn phân loại dự án xanh, sản phẩm xanh nhằm mục đích kết nối được khối tài chính để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn ưu đãi đầu tư chuyển đổi và áp dụng công nghệ.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi xanh là cuộc cách mạng, muốn thành công cần tư duy và hành động đột phá, nhất là mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, xanh hơn, hiệu quả và thông minh hơn. Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp bởi trên chặng đường chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính phủ kiến tạo cần bổ sung nhiều quy định mới, hỗ trợ nghiên cứu triển khai trong các doanh nghiệp.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển:
Thúc đẩy khu vực tư nhân chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam. Một trong những chủ thể quan trọng để triển khai các chủ trương, định hướng về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là thành phần kinh tế tư nhân. Những kết quả của khu vực kinh tế tư nhân tham gia phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong thời gian qua là hết sức to lớn.
Để hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xanh, còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, các bộ, ngành cần đẩy nhanh thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ, sản xuất và thị trường.
Khu vực tư nhân cần được tạo điều kiện để tiên phong, chủ động đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng thành quả khoa học và công nghệ; tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Giám đốc nghiên cứu phát triển và phát triển bền vững, Tập đoàn PAN Nguyễn Trung Anh:
Giúp doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường cao cấp
Là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và chế biến thực phẩm, chúng tôi chú trọng xây dựng mô hình kinh tế bền vững, phát thải thấp. Chỉ tính riêng mô hình kinh tế tuần hoàn xử lý phế phẩm trong sản xuất tôm đã giúp chúng tôi giảm phát thải và tăng doanh thu, lợi nhuận. Khoảng 7,5 nghìn tấn đầu và vỏ tôm được tái chế thành thức ăn chăn nuôi, giá trị tăng lên 3-5 lần, chế biến thành thực phẩm thì con số này từ 5 đến 10 lần, được sử dụng trong ngành Dược thì giá trị có thể tăng từ 20 đến 30 lần.
PAN cũng thành công trong việc kéo dài hành trình của sản phẩm điều. Trong đó, vỏ điều được dùng để ép lấy dầu, sau đó tiếp tục tận dụng bã từ quá trình này tạo ra các viên nén làm chất đốt. Hằng năm, việc xử lý khoảng 2.900 tấn vỏ điều có thể tạo nguồn thu lên tới hàng tỷ đồng và giảm đáng kể năng lượng hóa thạch phải sử dụng. Việc áp dụng mô hình kinh tế phát thải thấp đã giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí, giảm phát thải; tăng doanh thu và lợi nhuận; thâm nhập và mở rộng thị trường cao cấp.
Giám đốc phát triển bền vững Công ty Tái chế nhựa Duy Tân Lê Anh:
Cần có nguồn lực và đam mê
Từ năm 2020, trung bình mỗi ngày Công ty Tái chế nhựa Duy Tân thu mua 90 tấn rác thải nhựa để tái chế thành các sản phẩm có chất lượng cao. Nhựa tái chế Duy Tân đạt 15 chứng nhận khác nhau của thế giới về tiêu chuẩn nhựa cho ngành thực phẩm.
Năm 2022, công ty đã xuất khẩu 4.000 tấn hạt nhựa tái chế sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là quy trình ngược so với quy trình nhập khẩu và sản xuất bao bì nhựa ở Việt Nam từ trước tới nay. Cũng trong năm 2022, công ty thu gom và tái chế hơn 1,3 tỷ chai nhựa, xuất khẩu sản phẩm sang 12 quốc gia và cung cấp bao bì tái chế cho các nhãn hàng lớn như Lavie, Nestle, Coca-Cola…
Việc thu gom, tái chế các sản phẩm từ nhựa như chai nước uống, chai hóa mỹ phẩm và chai nhựa gia dụng đã giúp giảm lượng nhựa đưa vào sản xuất các ngành tiêu dùng cũng như giảm lượng nhựa thải ra môi trường. Qua kinh nghiệm cho thấy để doanh nghiệp hoạt động được trong ngành tài chế cần phải có nguồn lực, đam mê và chuyên môn.
Hoa Thủy ghi