Nông nghiệp

Quy hoạch vùng trồng hoa, cây cảnh chất lượng cao: Nâng cao hiệu quả kinh tế

Đỗ Minh 24/08/2023 - 06:27

Hoa, cây cảnh là những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với xu hướng phát triển nền nông nghiệp xanh. Do đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang quy hoạch các vùng trồng hoa, cây cảnh chất lượng cao gắn với du lịch trải nghiệm, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập cho người dân.

cay-canh.jpg
Chăm sóc hoa giấy tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Đỗ Tâm

Những vườn hoa tiền tỷ

Với người nông dân, hoa lan giờ không còn là giống cây “đỏng đảnh”, “khó chiều”. Bằng việc ứng dụng khoa học, công nghệ, đầu tư về nguồn giống, khu sản xuất, các mô hình trồng hoa lan ở thành phố Hà Nội cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) Bùi Thị Hường Bích cho biết, hợp tác xã đang có khoảng 12ha, 7 nhà trồng các loại hoa lan. Toàn bộ hệ thống nhà lưới được thiết kế theo công nghệ khép kín. Hợp tác xã có phòng nuôi cấy mô hiện đại để kiểm soát nguồn cây giống; có hệ thống làm lạnh, bảo quản hoa sau thu hoạch. Hiện, sản phẩm của hợp tác xã đã được phân phối tại nhiều hệ thống siêu thị lớn của Việt Nam và xuất khẩu sang một số quốc gia trong khu vực. Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường hàng triệu cành lan hồ điệp, lan vũ nữ, địa lan, hoa ly, hoa loa kèn. Doanh thu đạt khoảng 50 tỷ đồng/năm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Trọng Phan, ngoài những giống hoa truyền thống như: Hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền, nông dân huyện Mê Linh còn đưa giống hoa cúc Nhật vào trồng và xuất khẩu. Hiện toàn huyện có 140ha trồng hoa cúc Nhật để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản; giá trị tăng từ 15% đến 20% so với trồng hoa tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh như hiện nay, cây hoa được coi là cây trồng “vàng” của ngành Nông nghiệp Thủ đô. Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan cho rằng, quy hoạch nông nghiệp của thành phố Hà Nội cần tuân thủ tiêu chí phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái kết hợp với phát triển du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường, gìn giữ các vành đai xanh. Theo đó, trồng hoa, cây cảnh là hướng phát triển phù hợp với Hà Nội hiện nay.

Từ định hướng trên, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng hoa, cây cảnh chất lượng cao. Hiện tại, toàn thành phố có 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh, với diện tích lên tới 5.300ha.

Quy hoạch gắn với lợi thế tự nhiên

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hoa, thành phố Hà Nội có nhiều lợi thế để trồng hoa, cây cảnh. Đến nay, đã có nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh phát triển ở các huyện dọc sông Đáy, sông Hồng. Những vùng này không chỉ có đất đai phì nhiêu, mà còn là địa điểm lý tưởng để phát triển mô hình trồng hoa gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp.

Điển hình là huyện Đan Phượng, những năm qua, địa phương đã tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp xanh. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho hay, trên địa bàn huyện còn khoảng 980ha đất ven bãi sông Hồng, sông Đáy, rất thuận lợi cho việc hình thành các mô hình nông nghiệp xanh. Huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng những diện tích đất nông nghiệp ven bãi, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái và trồng hoa, cây cảnh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, ngành Nông nghiệp đã và đang quy hoạch các vùng trồng hoa, cây cảnh phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng từng vùng. Đồng thời, gắn phát triển các mô hình trồng hoa với du lịch sinh thái, trải nghiệm, tạo vành đai xanh ven đô cho Hà Nội. Từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh lên 8.000ha, tập trung tại các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Gia Lâm... Trong đó sẽ có các vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung ứng dụng công nghệ cao, quy mô từ 20 đến 50ha/vùng. Những vùng này chủ yếu trồng hoa lan, cúc, hồng... cùng một số giống hoa nhập, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Với mục tiêu đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch từng vùng sản xuất nông nghiệp để lựa chọn vùng trồng hoa, cây cảnh phù hợp với lợi thế về tự nhiên. Mỗi vùng trồng hoa trọng điểm sẽ xây dựng hạ tầng đi kèm như nhà lưới, khu trưng bày, vườn phục vụ du lịch.

Để hình thành các vùng trồng hoa quy mô lớn gắn với du lịch sinh thái, ngành Nông nghiệp sẽ kiến nghị thành phố có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã ở vùng trồng hoa chuyên canh tiếp cận với nguồn vốn vay, thuê đất; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cũng như thiết lập thị trường, tổ chức tuyến du lịch nông nghiệp để quảng bá các vùng trồng hoa, hướng đến mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân.