Hồ sơ

Ấn Độ thực hiện thành công cú hạ cánh lịch sử lên cực Nam của Mặt trăng

Quỳnh Dương 23/08/2023 - 20:27

Khoảng 19h ngày 23-8, mô đun mang theo tàu đổ bộ Vikram và robot tự hành Pragyan của sứ mệnh Chandrayaan-3 đã thực hiện cú hạ cánh thành công lên cực Nam của Mặt trăng, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô cũ làm chủ công nghệ tiếp cận bề mặt của Mặt trăng.

untitled-3.jpg
Hình ảnh mô phỏng quá trình hạ cánh lên Mặt trăng của tàu đổ bộ Ấn Độ.

Chandrayaan-3 có 2 thành phần: 1 mô đun đẩy (PM) nặng 2.148kg và 1 mô đun đổ bộ (LM) gồm tàu đổ bộ Vikram và robot tự hành Pragyan. Vikram cao khoảng 2m và nặng hơn 1.700kg, tính cả robot tự hành Pragyan nặng 26kg. Chiếm một phần lớn khối lượng của Vikram là nhiên liệu đẩy.

Sau khi tiếp cận bề mặt Mặt trăng, cùng với đầu dò nhiệt có khả năng đâm sâu vào Mặt trăng khoảng 10cm và ghi nhận nhiệt độ của đất đá; bộ phản xạ ngược; máy quang phổ phát xạ laser (LIBS) và máy quang phổ tia X hạt Alpha (APXS), Vikram và Pragyan dự kiến hoạt động trong khoảng 2 tuần, thực hiện hàng loạt thí nghiệm quan trọng.

Trong lộ trình sứ mệnh Chandrayaan-3, LM và PM đã được phóng lên từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan lúc 16h05 ngày 14-7 (giờ Hà Nội), sau đó tăng dần độ cao, khai hỏa động cơ vào ngày 31-7 để hướng tới Mặt trăng. Nó đi vào quỹ đạo quanh Mặt trăng hôm 5-8. LM đã tách thành công khỏi PM hôm 17-8 để giảm tốc độ trước khi tiếp cận bề mặt cực Nam của Mặt trăng.

Cực Nam của Mặt trăng từ lâu đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và chuyên gia vũ trụ. Theo tài liệu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), các điều kiện khắc nghiệt, tương phản khiến cực Nam Mặt trăng trở thành một địa điểm đầy thách thức đối với cách người Trái đất hạ cánh, sinh sống và làm việc. Nhưng những đặc điểm độc đáo của khu vực đó hứa hẹn về những khám phá khoa học không gian sâu chưa từng có, có thể giúp chúng ta tìm hiểu về nơi ở của mình trong vũ trụ và phiêu lưu xa hơn vào hệ Mặt trời.

Các chuyên gia lưu ý rằng, có khả năng có sự hiện diện của nước và băng ở cực Nam - phần khuất của Mặt trăng khi nhìn từ Trái đất và thường xuyên nằm trong bóng tối. Hơn nữa, cực Nam của Mặt trăng có nhiệt độ cực kỳ lạnh. Điều này có nghĩa, bất cứ thứ gì bị mắc kẹt ở đây sẽ đóng băng toàn thời gian mà không trải qua nhiều thay đổi. Do đó, đất đá ở khu vực đó có thể cung cấp manh mối cho việc nghiên cứu hệ Mặt trời sơ khai.

Thành công của Chandrayaan-3 là một động lực to lớn cho ngành công nghiệp vũ trụ non trẻ của Ấn Độ. Nó không chỉ khẳng định sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, giúp nâng cao vị thế quốc gia trong cuộc đua vào không gian mà còn cho thấy sự vượt trội trong khả năng tiết kiệm kinh phí.

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết, ngân sách chi cho Chandrayaan-3 chỉ khoảng 74 triệu USD. Trong khi đó, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) chi khoảng 93 tỷ USD cho chương trình mặt trăng Artemis đến năm 2025.