Huyện Đan Phượng dẫn đầu thành phố về tỷ lệ trường chuẩn quốc gia
Ngày 23-8, UBND huyện Đan Phượng tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024.
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết: Toàn huyện có 55 trường công lập; 1.072 nhóm, lớp; 33 nhóm trẻ độc lập, tư thục với tổng số 40.006 học sinh. Toàn ngành cũng có 2.625 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn chiếm 95,5%.
Đến nay, Đan Phượng có 54/55 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 60% trường đạt chuẩn mức độ 2 - dẫn đầu thành phố về tỷ lệ trường chuẩn quốc gia.
Nhiều trường mầm non đã ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến như STEAM, Montessori, Reggio... trong phát triển chương trình, xây dựng kế hoạch, đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục để tạo sự mạnh dạn, tự tin và kỹ năng cho trẻ.
Ở cấp tiểu học và THCS, các trường tổ chức các hoạt động giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; tăng cường hiệu quả các giờ lên lớp, tăng cường kiểm tra, đánh giá giờ dạy của giáo viên, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh…
Đối với học sinh lớp 5 và lớp 9, ngoài việc kiểm tra theo quy định, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức khảo sát bằng hình thức coi chéo, chấm tập trung; từ đó, thống kê, phân tích, xác định nguyên nhân, tổ chức hội thảo đánh giá, rút kinh nghiệm, tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh.
Kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của huyện có nhiều khởi sắc. Môn toán đạt 7,2 điểm/học sinh; môn ngữ văn đạt 6,8 điểm/học sinh (tăng 0,46 điểm so với năm học trước). Riêng môn tiếng Anh đạt 6,3 điểm/học sinh, tăng 0,2 điểm so với năm ngoái.
Đặc biệt, kết thúc năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo được Sở Giáo dục và Đào tạo xếp loại 8/13 tiêu chí đạt xuất sắc, 4/13 tiêu chí đạt tốt.
Ghi nhận kết quả ngành Giáo dục huyện đã đạt được, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam yêu cầu, trong năm học tới, ngành Giáo dục huyện cần tiếp tục rà soát mạng lưới trường học, ưu tiên quy hoạch diện tích đất cho giáo dục: Xây dựng mới trường học và phòng học, các phòng bộ môn, phòng chức năng ở các trường còn thiếu, xây dựng các khu giáo dục thể chất… hướng tới hệ sinh thái giáo dục xanh, hiện đại…
Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; xây dựng nền giáo dục mở, thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Ông Lê Thanh Nam cho biết, huyện sẽ nghiên cứu cơ chế thu hút đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo để có nhiều nhà giáo giỏi tâm huyết gắn bó, cống hiến cho ngành. Nhiều nhà giáo giỏi sẽ có nhiều học sinh giỏi, đội ngũ ngành giáo dục là then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội, và tạo ra sản phẩm giáo dục chính là thế hệ tương lai.