Nông nghiệp

Ba Vì chăn nuôi gà theo hướng an toàn, tập trung

Lê Dương 23/08/2023 - 07:25

Trong những năm gần đây, huyện Ba Vì đã đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn, tập trung, vừa giúp thực hiện tốt công tác kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm, vừa góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.

cham-soc-dan-ga-tai-xa-cam-.jpg
Chăm sóc đàn gà tại xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì).

Với lợi thế là vùng đồi, núi, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, người dân xã Cẩm Lĩnh chủ yếu phát triển chăn nuôi gà thả vườn. Cán bộ thú y xã Cẩm Lĩnh Nguyễn Thị Quỳnh cho biết, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã phát triển chăn nuôi gà, với tổng đàn gần 635.000 con gà thương phẩm, hơn 197.700 gà sinh sản. Nhiều hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại, có tổng đàn từ 2.000 đến 20.000 con, tập trung ở các thôn: Ngọc Nhị, Vô Khuy, Cẩm An, Đông Phượng… Điển hình là gia đình ông Phùng Viết Thủy ở thôn Ngọc Nhị có trang trại chăn nuôi gà thuộc diện lớn nhất, nhì của xã, với tổng diện tích hơn 2 mẫu. Ban đầu gia đình ông Thủy nuôi thả vài trăm con gà thương phẩm, đến nay, tổng đàn gà đã lên tới 12.000-14.000 con/năm.

Ông Phùng Viết Thủy cho biết, gia đình chia trang trại thành nhiều khu để thuận tiện cho việc chăn thả gà. Mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa nuôi từ 6.000 đến 7.000 con. Từ năm 2019 đến nay, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của huyện đã hỗ trợ gia đình ông Thủy và những hộ chăn nuôi khác trên địa bàn xã Cẩm Lĩnh tham gia xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà đồi Ba Vì. Gia đình ông Thủy được các đơn vị chức năng của huyện Ba Vì, Sở NN&PTNT Hà Nội hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn, sinh học… “Quy trình chăn nuôi gà được thực hiện bài bản từ khâu chọn giống, thức ăn đến phòng, chống dịch bệnh, nên chất lượng gà thương phẩm được nâng cao, doanh thu trung bình đạt hơn 1,5 tỷ đồng/năm”, ông Phùng Viết Thủy cho hay.

Với mô hình chăn nuôi gà thả đồi sinh sản, gà giống an toàn, sinh học, từ năm 2011, gia đình ông Nguyễn Đức Thủy ở thôn Cẩm An (xã Cẩm Lĩnh) đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy ấp trứng, dây chuyền máy nghiền, trộn sản xuất thức ăn và chuồng trại chăn nuôi hơn 10.000 con gà mỗi năm. Để có được gà giống an toàn, chất lượng, ông Thủy mua nguyên liệu là cám mì, ngô, đậu tương, bột cá khô… nghiền, trộn, làm thức ăn cho gà sinh sản. Tổng doanh thu từ trang trại của gia đình ông Nguyễn Đức Thủy đạt hơn 10 tỷ đồng mỗi năm; trừ mọi chi phí còn lãi từ 1 đến 2 tỷ đồng/năm. Trang trại của gia đình ông Nguyễn Đức Thủy cũng tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, xã Ba Trại có tổng đàn 340.000 con gà trắng, gà ta nuôi thả vườn đồi, với hơn 30 trang trại chăn nuôi tập trung và nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tại các thôn: 2, 5, 6 và 9... Cán bộ thú y xã Ba Trại Bạch Minh Tuyên thông tin, nhiều hộ chăn nuôi từ 10.000 đến 15.000 con gà trắng, như gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn ở thôn 3, ông Bạch Ngọc Thạch ở thôn 9… Hay có những hộ chăn nuôi gà đồi thả vườn lên tới 5.000-7.000 con, như gia đình bà Nguyễn Thị Hằng ở thôn 6, bà Đinh Thị Thanh ở thôn 2, bà Bạch Thị Hải ở thôn 9, đều cho doanh thu hằng năm từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/hộ/năm.

Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ba Vì Nguyễn Thị Minh Quý thông tin, toàn huyện có hơn 5,5 triệu con gia cầm. Từ đầu năm đến nay, các xã, thị trấn đã tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc môi trường 2 đợt, sử dụng 6.700 lít-kg hóa chất, phun trên tổng diện tích 4,8 triệu mét vuông; tiêm các loại vắc xin phòng dịch bệnh H5N1, Newcastle, Gumboro cho gần 4,2 triệu lượt con gà… Nhờ đó, trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi.

Về phát triển chăn nuôi gà theo hướng an toàn, tập trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung khẳng định, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế từ chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn, huyện khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi gà theo hướng tập trung, áp dụng khoa học, kỹ thuật mới, tạo môi trường chăn nuôi an toàn, sinh học, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn và các đoàn thể hỗ trợ nông dân tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô đàn gà, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.