Chống lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật
Xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Đây là một trong ba đột phá chiến lược được Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhằm tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Với tầm quan trọng đó, thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh, hội nhập quốc tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật còn bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến hiệu quả thi hành pháp luật thấp. Việc xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm đủ thời gian để thực hiện đúng các quy trình, thủ tục theo quy định…
Trước những bất cập trên, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14-8-2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Nghị quyết đặt mục tiêu nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, đề ra các nhóm giải pháp trọng tâm để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Để Nghị quyết số 126/NQ-CP đi vào cuộc sống, trước hết phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật. Trong đó, phải chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”; không được lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, cần tập trung xử lý, khắc phục ngay tình trạng văn bản luật tính dự báo yếu, thiếu ổn định, “luật khung, luật ống”, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, không được để xảy ra tình trạng luật mới được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, xa rời thực tiễn, luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư..., làm giảm niềm tin của nhân dân vào luật pháp, lo ngại của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài về tính ổn định, minh bạch trong các quy định của pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh.
Điều quan trọng nữa là nâng cao năng lực, phẩm chất cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật thông qua việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức. Đi đôi với đó là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật.