Hà Nội kết nối

Trường lớp sẽ vẫn thiếu nếu chưa có quy định phù hợp

Bích Ngọc 22/08/2023 - 19:40

Năm học mới, thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nỗi lo cũ: Thiếu trường lớp. Nếu như không có đột phá mới từ cơ chế, chính sách, việc thiếu trường lớp vẫn sẽ diễn ra, nhất là ở các thành phố lớn.

a567.jpg
Học sinh tại một trường tiểu học của quận 12. Đây là một trong những địa phương của thành phố đối mặt với vấn đề số học sinh tăng nhanh hơn số tăng trường lớp.

Nỗi lo chung

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2023-2024, thành phố tăng khoảng 35.000 học sinh, nhưng chỉ có thêm 371 phòng học, chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập. Ngoài ra, việc tiếp tục mở rộng diện học sinh học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 khiến càng thiếu trường lớp hơn.

Những địa bàn có dân số cơ học tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa cao luôn trong tình trạng trường lớp không tăng kịp số học sinh. Tại quận 12, năm học 2023-2024, do thiếu trường lớp, nên số học sinh bậc tiểu học được học 2 buổi/ngày chỉ đạt 27,3% (12.774/46.799 học sinh), bình quân sĩ số học sinh sẽ là 45,4 học sinh/lớp, trong đó, bình quân sĩ số học sinh trên lớp ở lớp 1 là 43,5 học sinh/lớp.

a569.jpg
Số học sinh vào lớp 1 tăng cũng khiến nhu cầu trường lớp thêm tăng cao, đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày.

Ở bậc THCS, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày là 20,7%, giảm 0,5% so với năm trước. “Số học sinh mỗi lớp cao và tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp đang là khó khăn lớn nhất của quận khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới”, Trưởng phòng Giáo dục quận 12 Khưu Mạnh Hùng cho biết.

Tình hình tương tự diễn ra tại quận Bình Tân, năm nay có 970 em ở phường Bình Trị Đông A vào lớp 1, nhưng phường chỉ có 1 trường tiểu học, chỉ đáp ứng được chỗ học cho 288 em. Tại phường Bình Trị Đông B, do chưa có trường THCS nên 684 học sinh vào lớp 6 sẽ phải chuyển sang phường khác để học.

Một số địa phương khác cũng đang trong tình trạng “vét” cạn quỹ phòng học hoặc bố trí thêm được lớp nào hay lớp đó để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2023-2024, toàn thành phố tăng 35.055 học sinh. Năm nay, trước ngày 5-9, thành phố sẽ đưa vào sử dụng 27 dự án trường học với 441 lớp, tăng 282 lớp so với năm trước. Đến cuối năm 2023, thành phố sẽ đưa thêm 231 phòng học mới vào sử dụng. Tổng mức đầu tư xây dựng trường cho năm 2023 của thành phố Hồ Chí Minh là hơn 1.503 tỷ đồng.

a571.jpg
Trường Hy Vọng tại quận 6 vừa được xây mới, đưa vào sử dụng từ năm học 2023-2024, là nơi học tập của hơn 200 học sinh khuyết tật.

“Hiện, tỷ lệ số phòng học trên 10 nghìn dân của thành phố Hồ Chí Minh là 294 phòng, thiếu 2 phòng so với dự kiến. Về cơ bản, thành phố đáp ứng đủ chỗ học cho 100% học sinh, nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu cho học sinh học 2 buổi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu thông tin.

Số liệu từ UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2023-2025, thành phố cần hơn 3,9 triệu m2 đất để triển khai xây dựng trường lớp. Hiện đã có hơn 418.000m2 đất sạch, sẵn sàng cho xây dựng và hơn 318.000m2 đất có tính khả thi cao trong thu hồi để triển khai đầu tư. Về cơ bản, thành phố đang thiếu quỹ đất xây trường.

Tìm hướng giải quyết

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, một số tiêu chuẩn trường học trong Thông tư số 13/2020/TT-BGD&ĐT ngày 26-5-2020 quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (Thông tư số 13) chưa phù hợp với tình hình thực tế ở những “siêu đô thị” như thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội.

a572.jpg
Trường THCS Đức Trí (quận 1) là một điển hình về những ngôi trường xây trên diện tích đất nhỏ giữa khu dân cư đông đúc, nay rất khó để phát triển số lớp học theo các quy định hiện hành.

Đơn cử, khoản 3, điều 9 Thông tư 13 quy định tại các đô thị đông dân cư, diện tích xây trường tiểu học tối thiểu là 8m2/học sinh. Điều 10 quy định các trường tiểu học phải có phòng riêng (tối thiểu 1 phòng/môn) cho các môn âm nhạc, khoa học, tin học, ngoại ngữ, phòng đa chắc năng…; phụ lục 2 quy định diện tích tối thiểu của mỗi lớp học là 40m2.

Còn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2021/BXD) được ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng, các công trình trường tiểu học, THCS, THPT xây dựng không quá 5 tầng. Phòng học của học sinh được bố trí từ tầng 4 trở xuống...

Tại nhiều quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh, diện tích đất dành cho giáo dục không nhiều (tỷ lệ theo quy định hiện hành là 15%), nên khó đáp ứng theo tiêu chuẩn. Cùng với đó, nếu không áp giá đền bù thu hồi đất phù hợp, sẽ rất khó để người dân trong vùng dự án xây trường đồng thuận giải tỏa, bàn giao đất.

a573.jpg
Một trường học trong Khu đô thị Vạn Phúc (thành phố Hồ Chí Minh).

UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét ban hành quy định diện tích đất trường học phù hợp từng cấp địa phương, đô thị. Theo đó, ở các thành phố lớn, nên quy định diện tích xây trường không phải là diện tích đất mà là diện tích sàn công trình (theo số tầng), để thành phố có cơ sở pháp lý triển khai chỉnh trang, mở rộng trường học.

“Các sở, ngành rà soát các quỹ đất dành cho giáo dục trên địa bàn và nhất là ở các khu dân cư, khu đô thị mới; tiếp tục tìm hướng giải quyết hiệu quả việc đền bù, giải phóng mặt bằng trên diện tích đất giáo dục nhằm sớm tăng trường, lớp, đáp ứng nhu cầu dạy và học của thành phố”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Đức chỉ đạo.