Tài chính

Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp

Hà Linh 22/08/2023 - 14:12

Tại hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ở Hà Nội ngày 22-8, các đại biểu trao đổi cởi mở, thẳng thắn, đề xuất các sáng kiến, giải pháp để giải quyết bài toán về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

anh-theo-bai-hoi-thao.jpg
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo.

Còn điểm nghẽn

Các đại biểu thẳng thắn chỉ ra những khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đánh giá, vẫn còn một số điểm nghẽn tồn tại, như gói hỗ trợ lãi suất 2% không hiệu quả; doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn từ các quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 7,34% số doanh nghiệp được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ quỹ.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, tạo thêm rào cản và gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Cụ thể, mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt giữa pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu, quy hoạch, tài nguyên môi trường, xây dựng... là bất cập lớn được hầu hết các địa phương phản ánh. Ngoài ra, rào cản đăng ký kinh doanh cũng rất phổ biến.

Đáng chú ý, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục điều chỉnh các loại giấy phép con nhiều lần ngay cả khi không có thay đổi về nội dung, ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đã được cấp phép. Thuế vẫn là nỗi bức xúc của nhiều doanh nghiệp; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu vẫn tiếp tục là rào cản; gánh nặng thủ tục hành chính vẫn rất nặng nề; văn bản hướng dẫn chậm ban hành khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều khó khăn; bất cập trong quy định xử phạt vi phạm hành chính…

Về vấn đề tín dụng bất động sản, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, vì chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung, nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung. Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đã tăng trưởng 17,41%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%), nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản lại giảm 1,12% cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng đang sụt giảm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được ưu tiên; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn.

Theo báo cáo, tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022, phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.

Triển khai kịp thời nhiều chính sách

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế và trong nước từ cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023 diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều yếu tố tác động tiêu cực chưa từng có, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng.

Ông Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) nêu quan điểm, cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay (giảm chi phí vốn; tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản; sử dụng tín dụng thuế đầu tư (Investment Tax Credit) ngắn hạn. Tuy nhiên, cần kiểm soát tăng trưởng nguồn cung tiền quanh 10% và tránh nôn nóng hạ lãi suất dồn dập. Ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa.

Cũng theo ông Phạm Thế Anh, “dư địa” để thực hiện kích thích tài khóa như nợ công giảm và ổn định ở mức vừa phải; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với ngân sách nhà nước không quá căng thẳng, nợ công nước ngoài thấp (14,7% năm 2021 và 12% năm 2023). Lãi suất vay nợ trái phiếu Chính phủ thấp và kỳ hạn trái phiếu Chính phủ lành mạnh. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải. Phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực. Bổ sung, xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Đây là chính sách lâu dài, hạn chế tác động phụ, đồng thời, kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc, nâng mức thu nhập chịu thuế/giảm thuế suất thu nhập cá nhân, giảm VAT hàng thiết yếu nội địa. Ưu điểm của chính sách này là đạt hai mục tiêu an sinh xã hội và kích cầu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, những nỗ lực để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, nhất là trong việc tiếp cận và hấp thụ vốn, đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục có nhiều bất định, còn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ nhiều phía, và thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh không ít khó khăn.

Vì vậy, ông Đào Minh Tú cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cần tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng và sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế để giúp khu vực doanh nghiệp phục hồi ổn định và tiếp tục phát triển.