Đời sống

Cơ sở thẩm mỹ lừa đảo: "Trái đắng" khi mua gói làm đẹp lâu dài

Kim Vũ 21/08/2023 - 07:04

Dùng nhiều chiêu trò khuyến mại như tặng buổi trải nghiệm chăm sóc da miễn phí rồi mời khách mua thẻ lâu năm với giá trị cả chục triệu đồng, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì cơ sở thẩm mỹ lặng lẽ phá sản hoặc chuyển trụ sở đến nơi khác. Đây là thủ đoạn moi tiền khách hàng mà không ít người mắc bẫy, nhưng phải ngậm "trái đắng" vì không đủ bằng chứng tố giác đối tượng vi phạm...

tham-1.jpg
tham-2.jpg
Cơ sở Viện thẩm mỹ quốc tế Pfizers số 37 phố Xã Đàn (quận Đống Đa) đã bị dừng hoạt động và tháo dỡ biển. (Ảnh chụp ngày 20-8).

Moi tiền khách hàng rồi "lặn mất tăm"

Gần đây, Báo Hànộimới đã nhận được đơn khiếu nại của chị Lê Thu Hương (quận Tây Hồ), phản ánh việc đến Thẩm mỹ viện Xanh - Pôn (số 150 phố Trung Phụng, quận Đống Đa) đã bị nhân viên dẫn dụ mua gói dịch vụ làm đẹp tổng hợp giá 15 triệu đồng, trong đó phun môi được bảo hành trọn đời và được chăm sóc trẻ hóa da mặt 20 buổi. Ban đầu, chị Hương thấy hợp lý nên không ngần ngại nộp đủ tiền. Sau khi phun môi và làm trẻ hóa da mặt 3 lần, do bận công việc nên chị bỏ bẵng đi ít ngày. Tháng 6-2023, quay lại để làm đẹp thì chị tá hỏa vì cơ sở đã thuộc về một chủ nhân mới. Cơ sở trước đã chuyển sang tỉnh khác. Nhiều lần gọi đến số máy điện thoại và nhắn tin qua tài khoản Facebook của Thẩm mỹ viện Xanh - Pôn chị đều không thể liên lạc rồi sau đó đã bị chặn hoàn toàn kết nối.

Tương tự, khách hàng tên Phạm Chung (quận Ba Đình) cũng bị lừa gói dịch vụ làm da mặt, tắm trắng có giá 20 triệu đồng, được làm "thẻ VIP", bảo hành trọn đời tại Thẩm mỹ viện Xanh - Pôn. Sau khi mua gói làm đẹp này, khách hàng mang thai nên tạm dừng sử dụng, khi quay lại thì cơ sở đã "lặn mất tăm".

Một trường hợp khác là chị Trần Thu Hà (quận Nam Từ Liêm) phản ánh với Báo Hànộimới: Chị nộp tiền mua gói dịch vụ trị sẹo giá 10 triệu đồng tại Cơ sở Viện thẩm mỹ quốc tế Pfizers số 37 phố Xã Đàn (quận Đống Đa). Khi mua thẻ, cơ sở này cam kết hoàn tiền gấp đôi nếu khách không trị được sẹo. Tuy nhiên, sau 3 lần trị sẹo không có tiến triển, chị Hà tạm nghỉ một thời gian và đến đầu tháng 8-2023 quay lại thì cơ sở đã đóng cửa. Vào trang Facebook của cơ sở có thông báo đã chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, chị Hà được biết, ngày 23-6-2023, UBND phường Phương Liên (quận Đống Đa) đã có thông báo yêu cầu Cơ sở Viện thẩm mỹ quốc tế Pfizers nghiêm túc thực hiện quyết định của UBND quận Đống Đa là dừng hoạt động kinh doanh do vi phạm các quy định liên quan.

Người tiêu dùng cần cảnh giác

Từ các trường hợp nêu trên, phóng viên Báo Hànộimới đã tìm hiểu thêm tại các hội nhóm làm đẹp, chăm sóc da và được biết, có rất nhiều nạn nhân của chiêu trò bán gói dịch vụ làm đẹp với giá cao, sau đó cơ sở thẩm mỹ “cao chạy, xa bay”, đánh đố khách hàng.

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Y tế quận Đống Đa Lê Hoàng Thùy Ngân cho biết, sau khi phát hiện Cơ sở Viện thẩm mỹ quốc tế Pfizers tại số 37 phố Xã Đàn vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế, quận đã yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động. Theo bà Lê Hoàng Thùy Ngân, khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ trước khi trả tiền mua dịch vụ làm đẹp. Hiện chính quyền địa phương không có thẩm quyền kiểm tra, yêu cầu cơ sở thẩm mỹ trả lại tiền cho khách hàng. Công tác quản lý, thanh tra, hậu kiểm đối với các cơ sở chăm sóc sắc đẹp này đã được phân cấp theo đơn vị cấp phép. Do đó, đơn vị quản lý về y tế không thể đơn phương kiểm tra, kiểm soát các cơ sở này, mà cần sự vào cuộc tổng kiểm tra liên ngành của các cơ quan công an, quản lý thị trường.

Còn theo Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn, gần đây quận cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc đã mua gói làm đẹp giá cao nhưng sau đó cơ sở chăm sóc, viện thẩm mỹ trên địa bàn đóng cửa. Tuy nhiên, về thẩm quyền quản lý, quận không xử lý được các cơ sở này do có trường hợp tuyên bố phá sản hoặc không đủ điều kiện thuê địa điểm tại quận, phải chuyển đi nơi khác. Vì vậy, ở góc độ pháp luật, các cơ sở này không vi phạm quy định về y tế. “Các khách hàng cũng không đưa ra được bằng chứng cho thấy các cơ sở có dấu hiệu lừa đảo, vì đây là thỏa thuận giữa người mua và người bán, nên không đủ bằng chứng xác lập vi phạm. "Vì vậy, mỗi khách hàng hãy cẩn trọng khi tiếp cận các dịch vụ, đừng để mất tiền rồi mới tìm hiểu, lúc đó đã quá muộn”, ông Tuấn khuyến cáo.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều vụ việc khi đã xảy ra sự cố thì khách hàng mới đưa thông tin ra dư luận, lúc đó các cơ sở làm đẹp đã kịp thời xóa dấu vết. Các bằng chứng buộc tội những đơn vị này vì thế không nhiều nên người chịu thiệt vẫn là khách hàng. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng cần phối hợp để kiểm tra, xử lý vi phạm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.