Môi trường

Trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường: Buông lỏng hay khó xử lý?

Thanh Bình 21/08/2023 - 06:40

Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng trăm trạm trộn bê tông hoạt động không phép, không quy hoạch…, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong khu vực. Tình trạng này diễn ra đã lâu, nhưng các địa phương nơi có công trình vi phạm chậm vào cuộc xử lý, chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, gây bức xúc trong dư luận. Thực tế này đặt ra câu hỏi vi phạm tồn tại là do buông lỏng quản lý hay khó xử lý?

tron-beton.jpg
Trạm trộn bê tông nằm trong Cụm công nghiệp Yên Sơn (huyện Quốc Oai) đã bị đình chỉ hoạt động. Ảnh: Đức Duy

Tràn lan trạm trộn bê tông không phép

Thực tế tại một số địa phương của Hà Nội cho thấy, hoạt động của các trạm trộn bê tông đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, tồn tại về pháp lý, gây khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền địa phương và cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị có trạm trộn bê tông.

Đơn cử tại Cụm công nghiệp Yên Sơn (huyện Quốc Oai) có 2 trạm trộn bê tông không phép của Công ty cổ phần VMP Việt Nam và Xí nghiệp Kinh doanh vật liệu xây dựng (Tổng công ty Phát triển nhà Bộ Quốc phòng). Hai doanh nghiệp này hoạt động từ năm 2017 đến nay nhưng vẫn chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, thường xuyên xả nước thải, bã thải bê tông ra môi trường. Có mặt tại hiện trường ngày 17-8, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, khu đất trống ngoài hàng rào trạm trộn lưu cữu khối lượng lớn bê tông dư thừa đã bị đông cứng. Đoạn đường ra vào trạm trộn có đầy mùn đất, bụi xi măng…

Tương tự, ở xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) cũng tồn tại trạm trộn bê tông vi phạm. Theo thông tin của chính quyền địa phương, trạm trộn này do Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Thiên Tân xây dựng trên đất sản xuất nông nghiệp, đã hết giấy phép hoạt động từ năm 2016. Trong quá trình sản xuất, trạm trộn này thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Dù nhiều lần bị chính quyền địa phương đình chỉ hoạt động, xử phạt vi phạm, yêu cầu di chuyển, nhưng đơn vị này vẫn cố tình chây ì, không di dời.

Tại các quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Phúc Thọ, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên… cũng có hàng trăm trạm trộn bê tông hoạt động suốt ngày đêm. Phần lớn các trạm trộn bê tông này vận hành kiểu nhiều "không": Không quy hoạch, không giấy phép hoạt động, không đề án bảo vệ môi trường, không giấy phép xả thải…, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Lý giải về tình trạng này, đại diện một doanh nghiệp sản xuất bê tông cho biết, để xây dựng được một trạm trộn bê tông đúng phép, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục, liên quan đến nhiều ngành, địa phương, như: Thuê đất phù hợp quy hoạch; xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết định phê duyệt dự án; bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công, an toàn phòng cháy, chữa cháy; lập đề án bảo vệ môi trường; xin giấy phép xả thải… Do vậy, để thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí, đa phần doanh nghiệp làm sai quy định.

Cần xử lý dứt điểm

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về việc xử lý các trạm trộn bê tông sai phạm trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, huyện vừa đình chỉ hoạt động, ban hành quyết định cưỡng chế đối với 2 trạm trộn bê tông xây dựng trái phép trong Cụm công nghiệp Yên Sơn. Huyện cũng giao các phòng, ban chức năng tham mưu, báo cáo UBND thành phố thu hồi đất của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh - đơn vị sử dụng đất sai mục đích, tự ý cho doanh nghiệp khác thuê lại để kiếm lời. Bên cạnh đó, UBND huyện xem xét trách nhiệm quản lý của các tập thể, cá nhân để xảy ra những tồn tại này.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Chu Xuân Tân, hiện xã đã lập xong phương án phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với trạm trộn bê tông trên địa bàn. Tuy nhiên, do doanh nghiệp này có đơn trình các cấp xin gia hạn giấy phép hoạt động đến tháng 4-2024, nên xã phải xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện. Ông Chu Xuân Tân cũng kiến nghị các sở, ngành thành phố kiểm tra, rà soát, phân loại các trạm trộn bê tông để có biện pháp quản lý hiệu quả. Chẳng hạn, những trạm trộn bê tông hết phép, xây dựng không phép, nhưng phù hợp quy hoạch, doanh nghiệp tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, có thể cho tồn tại để phục vụ phát triển kinh tế... Đối với các trạm trộn gây ô nhiễm môi trường, gây mất an ninh trật tự, cần kiên quyết cưỡng chế, giải tỏa.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các trạm trộn bê tông và xây dựng kế hoạch phát triển ngành vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành Văn bản số 5023/SXD-KTXD yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp các trạm trộn bê tông đang hoạt động để báo cáo UBND thành phố Hà Nội có giải pháp quản lý hiệu quả.

Tuy nhiên, trước khi thành phố có chỉ đạo mới, các quận, huyện, thị xã cần kiên quyết xử lý nghiêm những trạm trộn bê tông không có giấy phép, không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các sở, ngành nên có dự báo nhu cầu sử dụng bê tông thương phẩm trong thời gian tới để tham mưu thành phố xem xét, cấp phép hoạt động cho từng trường hợp cụ thể, phù hợp với nhu cầu phát sinh thực tế và đúng quy định của pháp luật, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm môi trường thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp…