Càng khó khăn, càng phải thi đua sáng tạo
Thời gian gần đây, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khi giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước phí vận tải, chi phí logistics tăng cao; đơn hàng thu hẹp do sức tiêu thụ suy giảm. Với tinh thần “càng khó khăn, càng phải thi đua”, tổ chức Công đoàn đã đẩy mạnh phong trào sáng kiến, sáng tạo gắn với quyền lợi người lao động. Đích đến là tăng năng suất, cải thiện đời sống công nhân.
Khơi nguồn sáng tạo của người lao động
Trong 7 năm làm việc tại Công ty TNHH Nhựa Việt Nhật (Công đoàn cơ sở thuộc Liên đoàn Lao động huyện Thanh Oai), hầu như năm nào anh Trần Quốc Hai cũng có sáng kiến, cải tiến mang lại giá trị cao trong sản xuất. Anh Hai chia sẻ: “Phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” do Công đoàn công ty phát động là chất xúc tác để tôi mạnh dạn đưa ra ý tưởng. Tôi quan sát anh chị em công nhân làm thủ công rất tốn sức nên đã tư duy, đặt bài toán cho chính mình”.
Theo đó, thay vì cắt bằng tay 7-8 tiếng/ngày để đạt định mức sản phẩm, anh Hai đã sáng chế ra máy cắt cước bàn chải, tăng hiệu suất công việc cho người lao động, cho ra sản phẩm vừa đều vừa đẹp. Quá trình triển khai, anh Hai được tổ chức Công đoàn hỗ trợ, tạo điều kiện để có thể phát huy hết tài năng; đồng thời động viên, tiến cử tham gia các hội thi nâng cao tay nghề và đề xuất thành phố khen thưởng...
Không chỉ Công ty TNHH Nhựa Việt Nhật, giai đoạn này, Công đoàn Công ty TNHH Sumitomo Heavy Industrie Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) cũng xác định “càng khó khăn, càng phải thi đua”. Việc đầu tiên tổ chức Công đoàn công ty chú trọng triển khai là đề xuất xây dựng quy chế khen thưởng, góp phần thúc đẩy đoàn viên công đoàn, người lao động chủ động đóng góp ý tưởng nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, Công đoàn công ty thường xuyên tổng hợp sáng kiến và bình xét, biểu dương người lao động. Điển hình như anh Nguyễn Quốc Việt (Tổ trưởng bộ phận Kaizen Công ty TNHH Sumitomo Heavy Industrie Việt Nam), hầu như năm nào cũng được công ty vinh danh vì những đóng góp sáng kiến cải tiến sản xuất, tăng hiệu suất công việc của từng bộ phận.
Những giá trị thiết thực
Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ các phong trào thi đua, nhiều giải pháp, sáng kiến, ý tưởng do đoàn viên công đoàn, người lao động làm chủ đã ra đời, có tính ứng dụng cao. Đến nay, các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” và gần đây là Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” hay Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh..., đều có sự tham gia tích cực của người lao động.
Tại Hà Nội hiện có khoảng 250.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 2,7 triệu người lao động. Từ phong trào thi đua “Lao động sáng tạo” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động, thành phố đã triển khai cụ thể bằng phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô”, tạo sức lan tỏa lớn. Trong năm 2023, đã có 94.523 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 1.906 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Đặc biệt, có 537 sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền là hơn 563 tỷ đồng. Công đoàn thành phố cũng đã vinh danh 100 sáng kiến, cá nhân tiêu biểu nhất.
Tương tự, tại các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An, điểm nhấn của phong trào là đã động viên khen thưởng những nhà quản lý, nhà khoa học và công nhân lao động trực tiếp có sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều ý tưởng được áp dụng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm lợi cho doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa tích cực về mặt xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Trong đó, có những “cây sáng kiến, sáng tạo” tuổi đời còn trẻ như anh Nguyễn Mai Thắng (28 tuổi), Phó Quản đốc Phân xưởng Cơ điện (Công ty Điện lực Nghệ An). Đặc biệt, có cá nhân 4 lần vinh dự được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như ông Nguyễn Xuân Khang, Trưởng kho Công cụ (Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu) - Công đoàn Công ty CP Cảng Hải Phòng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo chính là nền tảng để phát triển sâu rộng các tập thể, cá nhân lao động tiên tiến. Đây là sản phẩm cụ thể của tổ chức Công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ phối hợp với Nhà nước vận động người lao động đóng góp phát triển kinh tế - xã hội. Từ phong trào này đã sản sinh ba đặc trưng của người lao động là lao động trách nhiệm, lao động kỷ luật và lao động sáng tạo. Thành công quan trọng nhất sau mỗi sáng kiến, sáng tạo là bản lĩnh và trí tuệ của người lao động Việt Nam được thể hiện rất sinh động. Nhiều sáng kiến tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ mới; khắc phục các đứt gãy trong sản xuất do tình hình dịch Covid-19; tiết giảm chi phí, tạo ra sản phẩm mới trong bối cảnh tiêu dùng thế giới giảm mạnh… Tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục hun đúc niềm đam mê lao động sáng tạo bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể, giúp người lao động cống hiến nhiều hơn nữa cho đơn vị và đất nước.