Không được phép lùi bước
Thời gian qua, trên bình diện cả nước, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, đáng lo ngại nhất là việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; còn để xảy ra một số trường hợp thất thoát, lãng phí rất lớn, nghiêm trọng, đe dọa cơ hội phát triển.
Điển hình như, số dự án chậm tiến độ có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, nhưng đến năm 2021 là 1.962 dự án. Trên địa bàn hầu hết các tỉnh, thành phố có rất nhiều dự án xây dựng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang hoặc thưa thớt người ở... Một trong những nguyên nhân được xác định là do kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện chưa nghiêm; nhận thức pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ chưa đầy đủ; trình độ, năng lực chuyên môn của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu...
Trách nhiệm khi để còn những hạn chế nêu trên có phần thuộc về các tổ chức, cá nhân trong việc tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng; quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, biên chế, thời gian lao động, đất đai, tài nguyên, khoáng sản chưa hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí... Chiểu theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì những vấn đề nêu trên thuộc diện: Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít...; quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân… Rõ ràng, câu chuyện “bên trong cán bộ sợ sai; bên ngoài dân chúng thở dài lo âu” là thực trạng đang diễn ra, đã đến hồi báo động và cần được khắc phục kịp thời.
Trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Hà Nội luôn xác định và đặt kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm là yếu tố hàng đầu quyết định thành công. Thành phố đã lựa chọn và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm 2021, 2022 và 2023 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được tăng cường; giúp thành phố khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay.
Tuy nhiên, kỷ cương, kỷ luật còn một số mặt hạn chế. Việc chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền của một số cơ quan, đơn vị và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nghiêm. Nhiều công việc nêu trong nghị quyết, chỉ thị, chương trình công tác, chương trình hành động, kế hoạch, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện thiếu quyết liệt, chưa đúng tiến độ, chất lượng chưa đạt yêu cầu.
Chính vì thế, Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội “Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố” đã chỉ ra những tồn tại: “Gần đây trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của không ít tập thể cấp ủy, địa phương, đơn vị; trong tham mưu, xử lý công việc của nhiều cá nhân cán bộ, công chức, viên chức đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần có giải pháp chấn chỉnh, như kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ chưa nghiêm, cá biệt có nơi buông lỏng, né tránh, đùn đẩy công việc được giao, biểu hiện tâm lý “bàn lùi”, không làm thì không sai, sợ sai, sợ trách nhiệm tham mưu không rõ quan điểm, “lòng vòng”, tìm cách đẩy việc lên cấp trên hoặc sang bộ phận khác…”.
Sau khi “bắt mạch” chính xác căn bệnh trầm kha nói trên, Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy đã đưa ra những giải pháp phù hợp, cụ thể và quyết liệt. Đó là: “Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy trình hóa, cá thể hóa, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công và thực thi nhiệm vụ, trong từng khâu của quy trình xử lý công việc…”. “Cá nhân các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, đi đầu về tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân; nói đi đôi với làm, chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối diện và vượt qua khó khăn, thử thách vì công việc chung…”. Cùng với đó là xác định rõ: “Cấp ủy Đảng, trực tiếp là ban thường vụ cấp ủy, đồng chí bí thư cấp ủy có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chỉ thị”. Đặc biệt, theo Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 14-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, sẽ kịp thời điều chuyển những trường hợp, nhất là người đứng đầu để tình trạng công việc chậm, muộn kéo dài, trì trệ…
Tại hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU do Thành ủy tổ chức ngày 16-8, trước hơn 23.000 cán bộ, đảng viên tham dự, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu: Việc tổ chức thực hiện chỉ thị là nhiệm vụ có tính quyết định; là thước đo năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy, của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị; cần đầu tư “trí, lực” và thể hiện quyết tâm chính trị tương xứng, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ngay sau hội nghị Thành ủy tổ chức, nhiều cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy đã khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện với tinh thần: Chỉ có tiến, không được phép lùi; kết quả phải đo đếm được và phải tạo được sự khác biệt so với trước khi có chỉ thị...
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương mẫu mực về tinh thần làm việc và ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Với Người, có tinh thần, trách nhiệm là phải “nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”; bất kỳ việc to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải “đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thấy được những hạn chế của mình để sửa chữa, khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; phải thực sự cầu thị, luôn có chí tiến thủ, tinh thần cầu tiến bộ: “Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến... Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái”.
Mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị các cấp nỗ lực thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy là hành động thiết thực nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, kỷ cương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.