Bịt kín khoảng trống, kẽ hở để không thể tham nhũng
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định cần tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với việc phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm, một hành lang pháp lý đủ mạnh cũng đang dần hoàn thiện nhằm từng bước xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, bịt kín các khoảng trống, kẽ hở để không thể tham nhũng, tiêu cực.
Chuyển gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra
Báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) tại phiên họp phiên thứ 24 cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã ban hành trên 100 văn bản để tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành hàng trăm luật, nghị định, quyết định… qua đó, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực.
6 tháng đầu năm 2023, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 218 đảng viên do tham nhũng, 10 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 13 cán bộ diện Trung ương quản lý. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các cơ quan chức năng đã chuyển gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật, tăng gần 2 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII.
Tại thành phố Hà Nội, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tập trung chỉ đạo thực hiện. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chỉ đạo đã ban hành 31 văn bản để cụ thể hóa, quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Ban Chỉ đạo đã đưa vào diện theo dõi để tập trung chỉ đạo xử lý 63 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đến nay, đã thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo 13 vụ án, vụ việc; hiện còn chỉ đạo xử lý 50 vụ án, vụ việc... Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp ủy trực thuộc đã thi hành kỷ luật 28 tổ chức Đảng (khiển trách 25; cảnh cáo 3) và 2.377 đảng viên (khiển trách 1.783, cảnh cáo 281, cách chức 25, khai trừ 288 trường hợp)…
Khắc phục sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách
Phát biểu tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí xảy ra tại đơn vị mình. Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; đặc biệt là phát huy hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để không tạo kẽ hở, dễ bị lợi dụng.
Kết luận phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh: “Từ những thực tiễn hàng chục năm, có thể xây dựng một lý luận về chủ trương, đường lối, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho các thế hệ sau”.
Chỉ rõ những phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, Tổng Bí thư yêu cầu, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì, không nể nang, không chịu bất cứ sức ép nào… Với các thành viên Ban Chỉ đạo trung ương phải gương mẫu đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giữ mình trong sạch.
Trong những tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực và khẩn trương khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật đã được chỉ ra qua rà soát. Đặc biệt, cần tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp… góp phần hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cả nhiệm kỳ.