Chính trị

Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở cơ sở: Nâng chất, tăng hiệu quả

Đình Hiệp 20/08/2023 - 06:56

Thời gian qua, cấp ủy các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Trong đó, ban tuyên giáo các cấp, các trung tâm chính trị cấp huyện ngày càng khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng trong công tác này, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

mot-buoi-boi-duong-ly-luan-.jpg
Một buổi bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới năm 2023 do Quận ủy Long Biên tổ chức. Ảnh: Thùy Dung

Đổi mới nội dung, phương thức giảng dạy

Tại hội nghị giao ban, tập huấn công tác giáo dục lý luận chính trị ở cơ sở năm 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức mới đây, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị (Ban Tuyên giáo Trung ương) Đoàn Văn Báu cho biết, thời gian qua, các trung tâm chính trị cấp huyện có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, thu hút được nhiều học viên là cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm nội dung, mục đích, yêu cầu.

Đồng thời, các trung tâm có sự linh hoạt, chủ động cập nhật, bổ sung quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là chú trọng những vấn đề đặt ra đối với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Trong đó, việc truyền đạt kiến thức chương trình theo hướng liên hệ, vận dụng vào thực tiễn của địa phương, cơ sở được đặc biệt coi trọng.

“Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, nhiều tỉnh, thành phố căn cứ đặc thù của địa phương, có sự nhanh nhạy, sáng tạo trong hướng dẫn, tổ chức biên soạn tài liệu, giáo án mẫu, giáo án điện tử, nhanh chóng nắm bắt xu hướng ứng dụng các thành tựu công nghệ trong đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Một số trung tâm chính trị cấp huyện còn thực hiện chương trình bồi dưỡng của địa phương như: Chuyên đề tình hình kinh tế - xã hội địa phương; bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải viên cơ sở”, đồng chí Đoàn Văn Báu thông tin.

Trên bình diện cả nước, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho biết, sau khi có Quyết định số 883-QĐ/BTGTƯ ngày 24-11-2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm chính trị cấp huyện, hệ thống sổ sách theo dõi hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngày càng đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học. Các trung tâm thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy và hình thức kiểm tra, đánh giá để phù hợp với từng đối tượng học viên; công tác quản lý học viên được chú trọng, chặt chẽ, nghiêm túc...

Còn tại thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng cho biết, trung tâm chính trị các quận, huyện, thị xã đã có nhiều đóng góp trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở. Qua đó, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tại địa phương.

“Trung bình mỗi năm, trung tâm chính trị các quận, huyện, thị xã thành phố Hà Nội tổ chức, quản lý hơn 2.000 lớp học với trên 350.000 lượt học viên. Cán bộ, công chức sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy một cách tích cực trên các cương vị công tác, có sự chuyển biến về tư duy, phong cách và chất lượng làm việc”, đồng chí Đào Xuân Dũng thông tin.

Nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị

Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương, bên cạnh kết quả đạt được, công tác giảng dạy lý luận chính trị cũng còn một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, tài liệu, giáo trình, nội dung chậm được đổi mới; việc cập nhật kiến thức chưa kịp thời; cơ sở vật chất nói chung, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập lý luận chính trị nói riêng còn bất cập. Trong khi đó, một số giảng viên, giảng viên kiêm nhiệm nặng về dạy lý thuyết, thiếu thực tiễn; ngược lại, một số có thực tiễn, nhưng lại yếu về lý thuyết...

Để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên thời gian tới, theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng, trung tâm chính trị các quận, huyện, thị xã cần phối hợp với ban tuyên giáo, ban tổ chức quận, huyện, thị ủy khảo sát các tổ chức cơ sở Đảng, tham mưu cho thường trực cấp ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng lịch học phù hợp với đối tượng, tăng thời lượng tự nghiên cứu, ôn tập và trao đổi với học viên. Đặc biệt là tăng cường sự phối hợp giữa trung tâm chính trị với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc chọn cử, giới thiệu thành phần tham gia học tập và quản lý học viên.

Ngoài yêu cầu trên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho rằng, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cần bắt kịp xu thế, thời đại và nắm bắt tình hình kịp thời đổi mới, sáng tạo trong cách truyền đạt tới người nghe. “Cách truyền tải nội dung, phương thức bài giảng lý luận chính trị phải thật sự hấp dẫn, tránh để tình trạng truyền tải một chiều, nhàm chán đối với người nghe, đồng thời kiểm chứng nguồn tin, tác động tâm lý tới người nghe”, đồng chí Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Với sự hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, năm 2022, các trung tâm chính trị cả nước đã mở được 2.558 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng với 165.859 học viên tham gia; 8.017 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới với 102.065 học viên; 4.110 lớp sơ cấp lý luận chính trị cho 50.418 học viên; 4.561 lớp chuyên đề với 254.222 học viên….