Vườn quốc gia Cúc Phương: "Kho báu của Tổ quốc"
Là vườn quốc gia đầu tiên được thành lập trong số 34 vườn quốc gia của cả nước (năm 1962), Vườn quốc gia Cúc Phương là một trong những nơi bảo tồn đa dạng sinh học tốt nhất trên cả nước và được coi là “kho báu” của Tổ quốc.
Mới đây, “kho báu” này đã được Tổ chức World Travel Awards (WTA) lần thứ 5 liên tiếp vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á (từ năm 2019 - 2023).
“Bảo tàng sống” về thiên nhiên và văn hóa
Vườn quốc gia Cúc Phương được thành lập năm 1962, có tổng diện tích 22.408ha trải dài trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa; trong đó, phần diện tích lớn nhất nằm trên địa bàn huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình, 11.350ha), còn lại thuộc địa giới của Thanh Hóa và Hòa Bình.
Đặc điểm nổi bật của Cúc Phương là địa hình núi đá vôi có độ cao so với mặt biển 400 - 450m cùng nét đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới nên có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Các nhà khoa học đã ghi nhận tại Cúc Phương có 2.427 loài thực vật thuộc 931 chi, trong đó có 57 loài được ghi trong Sách đỏ; 669 loài động vật có xương sống, trong đó có 73 loài có tên trong Sách đỏ cùng 1.899 loài động vật không xương sống.
Cúc Phương được ví như “bảo tàng sống” về thiên nhiên, văn hóa và lịch sử khảo cổ học bởi lưu giữ nhiều dấu tích từ thời tiền sử. Đặc biệt, phải kể tới những phát hiện về người Việt cổ gắn với hệ thống hang động khô như động Người Xưa, động Phò Mã, hang Con Moong có niên đại từ 7.000 - 12.000 năm, hay hóa thạch của loài động vật cách ngày nay khoảng 230 triệu năm.
Cúc Phương là nơi sinh sống của các cộng đồng người dân bản địa, trong đó 80% là dân tộc Mường. Họ gắn bó mật thiết với rừng, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ rừng. Đây là một trong những nét đặc trưng, thu hút du khách đến với Vườn quốc gia Cúc Phương.
Gìn giữ “kho báu” của Tổ quốc
Hơn 60 năm qua, “kho báu” Cúc Phương luôn được quan tâm bảo vệ. Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương Nguyễn Văn Chính chia sẻ, lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra, kiểm soát và ngăn chặn hành vi săn bắt, chặt xẻ, buôn bán trái phép động, thực vật rừng cũng như nạn đốt nương làm rẫy, lấn chiếm đất rừng trái phép.
“Vườn quốc gia Cúc Phương cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện Chương trình giám sát đa dạng sinh học sử dụng phần mềm thông minh trong quản lý bảo vệ rừng, nhờ đó có thể theo dõi các diễn biến và hiện trạng tài nguyên động, thực vật rừng trong ngắn hạn và dài hạn” - ông Chính cho biết.
Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, công tác nổi bật nhất tại Vườn quốc gia Cúc Phương là nghiên cứu, bảo tồn các loài động vật quý hiếm. Hiện nay, Vườn đang hợp tác với nhiều quốc gia để triển khai 3 chương trình bảo tồn lớn: Bảo tồn các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam; Bảo tồn thú ăn thịt nhỏ và tê tê; Bảo tồn các loài rùa nước ngọt và một số loài động vật hoang dã.
Những năm qua, Vườn đã cứu hộ, hỗ trợ các loài động vật quý hiếm sinh sản thành công trong điều kiện nuôi nhốt, tái thả về tự nhiên hàng chục nghìn cá thể quý hiếm, góp phần tích cực vào công tác bảo tồn thiên nhiên, sự đa dạng sinh học trong khu vực.
Dựa trên tiềm năng về đa dạng sinh học cùng các thành tựu trong công tác nghiên cứu, tại Vườn quốc gia Cúc Phương đã hình thành “hệ sinh thái” du lịch với nhiều chương trình, sản phẩm độc đáo, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, như tour thăm động Người Xưa, tour ngắm cây cổ thụ, tour xem chim, xem thú đêm hay tour chinh phục đỉnh cao Mây Bạc - “nóc nhà Cúc Phương”...
Thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch Cúc Phương trong giai đoạn mới, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương Nguyễn Văn Chính cho biết, Vườn đang nghiên cứu, phát triển những sản phẩm mang tính sáng tạo, độc đáo nhằm mang tới cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, như tour “Về nhà” với trải nghiệm tái thả động vật sau cứu hộ; tour “Hành trình hồi sinh” giúp du khách có dịp tham gia quy trình cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã; Trại hè “Lớn lên cùng đại ngàn” dành cho học sinh muốn tìm hiểu về thiên nhiên..., qua đó khẳng định thương hiệu Du lịch sinh thái Cúc Phương, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu đưa Cúc Phương trở thành Vườn quốc gia kiểu mẫu.
Song song với việc phát triển các tour tham quan thiên nhiên, Vườn quốc gia Cúc Phương cũng chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, mang lại nguồn sinh kế cho cộng đồng bản địa. Bằng việc hình thành tuyến du lịch “xuyên rừng ngủ bản Mường” tại bản Khanh (xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), ngày càng nhiều du khách đến với bản sau khi tham quan Vườn.
Ông Bùi Văn Diễn, chủ một homestay ở bản Khanh cho biết: “Nhờ phát triển mô hình homestay, gia đình tôi đã có thêm nguồn thu nhập ổn định từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Chúng tôi cũng được Ban quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương và chính quyền xã hỗ trợ về vật chất, tạo điều kiện tham gia các khóa tập huấn về du lịch cộng đồng và bảo vệ rừng. Nhờ đó, người dân trong bản đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng để phát triển du lịch bền vững”.
Từ năm 2019 đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương liên tục được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á, vượt qua các “đối thủ nặng ký” của Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Nepal... Điều này đã khẳng định hướng đi đúng và phù hợp của Vườn quốc gia Cúc Phương, qua đó góp phần khẳng định thế mạnh về du lịch sinh thái của Việt Nam.