An toàn thực phẩm

Bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm từ gốc

Đỗ Minh 19/08/2023 - 06:41

Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thường Tín đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất, kinh doanh, lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, bảo đảm chất lượng, gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”, ra mắt các chi hội sản xuất sạch.

Những phong trào, mô hình thiết thực đó đã góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện ngay từ gốc.

an-toan-thuc-pham.jpg
Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nhị Khê (huyện Thường Tín) hướng dẫn hội viên xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón, xây dựng mô hình sản xuất sạch, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Những mô hình thiết thực

Nhằm hỗ trợ hội viên cung ứng, sản xuất những sản phẩm sạch, an toàn, cuối năm 2022, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Văn Bình đã thành lập Chi hội “Thay đổi hành vi trong trồng rau, củ, quả và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn”. Bà Trần Thị Nghĩa, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Văn Bình chia sẻ: “Được cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn, chúng tôi hiểu và nắm bắt thêm những kiến thức về sản xuất sạch, cung ứng ra thị trường những sản phẩm an toàn. Từ đó, hầu hết các hộ đã chuyển hướng trồng rau, quả an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao, lại bảo vệ môi trường sống”.

Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Thường Tín Nguyễn Thị Chiêu thông tin, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giới thiệu cho các hội viên phụ nữ xã những nội dung, kiến thức về quy trình chăm bón cho cây lúa, cây rau, cách sử dụng chế phẩm sinh học cho cây trồng, như bón đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc, đúng cách và đúng thời điểm để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, đơn vị hướng dẫn chị em phụ nữ các phương thức canh tác mới, khoa học, vừa tăng năng suất cây trồng, vừa thực hiện đúng quy trình sản xuất an toàn.

Còn Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nhị Khê đã ra mắt mô hình điểm “Gia đình 5 có, 3 sạch”, phát động hội viên và nhân dân “Sử dụng thùng rác có nắp đậy tại gia đình”. Theo đó, các gia đình thực hiện tốt tiêu chí “5 có”: Có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có tri thức, có nếp sống văn hóa; tiêu chí “3 sạch”: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Việc triển khai mô hình đã tạo sức lan tỏa lớn trong công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm ngay từ mỗi cá nhân, gia đình và lan tỏa ra cộng đồng.

Cùng với mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch”, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nhị Khê còn phối hợp Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, hướng dẫn phân loại xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón và xử lý rơm rạ sau thu hoạch trên đồng ruộng. Cùng với đó, xây dựng điểm thu gom phế liệu gây quỹ an sinh xã hội tại các thôn, khu dân cư để vận động cán bộ, hội viên và nhân dân tập kết rác thải tái chế, bán lấy kinh phí hỗ trợ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đánh giá về các phong trào bảo vệ môi trường xanh, sạch, xây dựng chuỗi sản xuất bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thường Tín Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho rằng, các cấp Hội trên địa bàn huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong phân loại, xử lý rác thải tại nguồn; tăng cường tận dụng, tái chế rác thải hữu cơ làm phân bón, nhằm tiết kiệm chi phí và vì một nền nông nghiệp sạch, hay sản xuất, chế biến, kinh doanh theo chuỗi, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Phát huy hiệu quả vai trò

Theo thống kê của UBND huyện Thường Tín, toàn huyện có khoảng 2.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được huyện coi trọng. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, huyện đã tăng cường phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội, nhất là Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp của huyện. Nhờ đó, phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; đồng thời gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm…

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thường Tín Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết, thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện sẽ xây dựng, lan tỏa nhiều mô hình, phong trào, như: “Chống rác thải nhựa” và trao tặng bình nước thủy tinh thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần cho cán bộ, hội viên và học sinh; tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp - nở hoa tại các nhà văn hóa thôn, cụm dân cư; mô hình “Đi chợ cùng làn nhựa” và “Thùng rác có nắp đậy tại gia đình”, góp phần bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, hạn chế sử dụng túi ni lông, bảo vệ môi trường; mô hình “Sạch đồng ruộng” tại 28 cơ sở Hội có hoạt động sản xuất nông nghiệp đã ra quân thu gom rác thải và vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật phát thải đồng ruộng theo mùa vụ...

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, thời gian tới, huyện Thường Tín sẽ tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về an toàn, vệ sinh thực phẩm; tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo liên ngành sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm cho các tiểu thương, nhân viên các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cá nhân, hộ gia đình..., nhằm nâng cao kiến thức của người dân về an toàn thực phẩm và hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trên địa bàn huyện.