Sách

80 năm “Nhật ký trong tù” - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng

An Nhi 18/08/2023 - 18:24

Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9; kỷ niệm tròn 80 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm bất hủ “Nhật ký trong tù”, ngày 18-8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “80 năm “Nhật ký trong tù” - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng”.

368683538_630579332215406_7999208073220237861_n.jpg
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tham dự và chủ trì hội thảo.

“Nhật ký trong tù” - Bảo vật quốc gia

“Nhật ký trong tù” là tập nhật ký viết bằng thơ chữ Hán, được Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành cách đây 80 năm, ghi lại quãng đời đầy gian lao, thử thách nhưng vô cùng cao đẹp của vị Lãnh tụ thiên tài - Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa kiệt xuất, trong 13 tháng bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm tại Trung Quốc. Tập thơ là tiếng lòng sâu sắc; là nơi hội tụ, tỏa sáng vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của người chiến sĩ cách mạng kiên trung trong hoàn cảnh tù đày; là tư liệu lịch sử quý giá, gắn với cuộc đời hoạt động phong phú và vẻ vang của Người. Đây cũng là tác phẩm văn học có giá trị đặc biệt, lớn lao; được công nhận là Bảo vật quốc gia, có sức cuốn hút, lan tỏa sâu rộng trong lòng công chúng nhiều thế hệ ở trong nước và trên thế giới.

368664020_978954656758031_3019807460704092591_n.jpg
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu.

Đề dẫn hội thảo, PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, tác phẩm “Nhật ký trong tù” có nhiều giá trị to lớn. Đến nay, tác phẩm đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng, được đông đảo người đọc trên thế giới đón nhận nồng nhiệt. Sức sống mãnh liệt, lâu bền; sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ của “Nhật ký trong tù” suốt 80 năm qua lại trở thành chân lý của sáng tạo nghệ thuật: Khi đi đến tận cùng của tâm hồn, cảm xúc, thân phận con người, tình yêu Tổ quốc thì sẽ bắt gặp cái chung cao đẹp của cộng đồng và của nhân loại.

368721338_1357100881891700_1758791045173758409_n.jpg
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tham luận tâm huyết của các nhà khoa học.

Giáo sư Phong Lê đánh giá, “Ngục trung nhật ký” là tác phẩm có một số phận đặc biệt, cùng với số phận là một giá trị đặc biệt. Một giá trị không phải chỉ là lớn, là vô giá, mà đã trở thành Bảo vật quốc gia. Giáo sư Phong Lê cũng phân tích hành trình của nguyên tác “Ngục trung nhật ký” từ năm 1943 đến năm 1960 – khi lần đầu bản dịch “Ngục trung nhật ký” được ra mắt, nhân sinh nhật lần thứ 70 của Người. “Viết về mình trong tính chất một nhật ký – thơ ghi chuyện hằng ngày; và viết cho mình, gần như không nhằm vào bất cứ một đối tượng nào khác ngoài mình, “Ngục trung nhật ký” có tất cả ưu thế để trở thành một chân dung tự họa trung thực nhất và sâu sắc nhất của Hồ Chí Minh”, Giáo sư Phong Lê khẳng định.

Giáo sư Hà Minh Đức đánh giá, “Nhật ký trong tù” là thiên cẩm nang của cách mạng, cuốn sách giáo khoa về cuộc sống xã hội. Bằng việc phân tích những đoạn, câu thơ sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TS Trần Đăng Suyền đã làm sáng rõ tư tưởng và cảm hứng chủ đạo của tác phẩm “Nhật ký trong tù”...

Tiếp tục lan tỏa giá trị tác phẩm “Nhật ký trong tù”

Gần 30 bài tham luận của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài gửi đến Ban tổ chức và các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã làm sáng tỏ hơn về quá trình chuyển ngữ “Ngục trung nhật ký” từ Hán ngữ sang Việt ngữ và từ Việt ngữ sang các ngôn ngữ các dân tộc trên thế giới; hành trình lan tỏa sâu rộng của “Nhật ký trong tù” ở giới nghiên cứu cũng như bạn đọc trong nước và thế giới; những giá trị tư tưởng, tầm cao trí tuệ, nghị lực phi thường của Hồ Chí Minh; những giá trị nhân văn cao cả, vẻ đẹp tâm hồn, niềm lạc quan cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trong hoàn cảnh lao tù khổ ải; những giá trị nghệ thuật độc đáo của tập thơ này.

Nhiều ý kiến cũng đã đề xuất giải pháp để phát huy tốt nhất giá trị độc đáo, đặc sắc của tác phẩm “Nhật ký trong tù” ở môi trường giáo dục nhà trường; trong giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho con người; trong đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

img_3316.jpg
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tiếp tục phân tích những giá trị, nội dung nổi bật, sâu xa của tập thơ “Nhật ký trong tù”; khẳng định người chiến sĩ cộng sản kiên cường, có nghị lực phi thường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong chốn ngục tù để đi đến ngày tự do.

“Những bài học mà Bác đã suy ngẫm và rút ra trong những ngày tháng bị giam cầm cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bởi vì đó là bài học được đúc kết từ thực tiễn hoạt động phong phú và trí tuệ sáng suốt của một vị lãnh tụ thiên tài”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Lắng nghe và bày tỏ trân trọng những ý kiến tham luận đầy tâm huyết, trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý và các văn nghệ sĩ tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, đây là dịp để tìm hiểu sâu sắc hơn tầm cao tư tưởng, vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó thực hiện tốt hơn nữa, có hiệu quả hơn nữa Kết luận số 01 ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong thời gian tới.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong rằng, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục đầu tư nghiên cứu, giới thiệu những giá trị to lớn, đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật của tập thơ, để lan tỏa sâu rộng hơn nữa đến đồng bào ta ở trong và ngoài nước, cùng bạn bè quốc tế.

Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp, các ngành quan tâm, lĩnh hội đầy đủ giá trị đặc biệt của tác phẩm, để tiếp tục trau dồi, bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh và đạo đức cách mạng, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; để đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.