Thị trường

Thị trường chứng khoán giảm sâu, vì sao?

Hương Thủy 18/08/2023 - 17:25

Kết thúc phiên 18-8, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 19 lần mã tăng giá, Vn-Index "bốc hơi" tới hơn 55 điểm, tuột khỏi mốc 1.200 điểm. Vậy, thị trường giảm sâu do đâu?

ck-18-8.jpg
Phiên ngày 18-8, thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ.

Trước phiên này, dự báo cho thấy nhịp điều chỉnh sẽ tiếp tục diễn ra khi ở phiên hôm qua, chỉ số Vn-Index đã giảm với biên độ rộng, bên cạnh đó, thanh khoản tăng cao. Đúng như dự báo, sau khi mở cửa thị trường phiên hôm nay, lệnh bán được nhiều nhà đầu tư lựa chọn đã khiến chỉ số Vn-Index đi xuống. Suốt cả phiên sáng, không có thời điểm nào chỉ số chung hiện sắc xanh. Đến giờ nghỉ trưa, Vn-Index giảm 20,21 điểm (-1,64%), xuống 1.213,27 điểm.

Sang phiên buổi chiều, lực bán ra còn mạnh hơn, đặc biệt là về cuối phiên, đẩy chỉ số Vn-Index giảm sâu, tuột khỏi mốc 1.200 điểm. Kết thúc phiên, Vn-Index giảm 55,49 điểm (-4,5%), còn 1.177,99 điểm; Vn30-Index dừng ở mức 1.190,1 điểm sau khi hạ 57,72 điểm (-4,63%).

Sức cung áp đảo cầu khiến hầu hết cổ phiếu của các ngành giảm giá. Sắc đỏ gần như bao trùm bảng giao dịch điện tử khi có tới 486 mã giảm giá (170 mã giảm kịch sàn), nhiều gấp 19 lần số mã tăng giá (25 mã). Tại nhóm Vn30 chỉ duy nhất 1 mã hiện sắc xanh là VCB. Trong số những mã giảm có 7 mã giảm hết biên độ.

Với việc giảm hết biên độ, VIC tiếp tục là mã có tác động lớn nhất đến sự đi xuống của chỉ số Vn-Index, lấy đi 4,95 điểm. Mã trụ cột khác "nhà Vin" là VHM lấy 4,75 điểm; tiếp đến là các mã BID, VPB, HPG, CTG.

Ngoài VIC và VHM, nhiều mã bất động sản cũng giảm giá mạnh. Cổ phiếu ngành này giảm đã lan rộng sang các ngành khác như ngân hàng, dịch vụ tài chính, viễn thông, dầu khí…

Lực xả hàng mạnh nhưng sức cầu cũng lớn đã đưa thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 36.000 tỷ đồng. Khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. Họ mua tới gần 2.350 tỷ đồng và bán trên 1.860 tỷ đồng.

Thanh khoản tại sàn Hà Nội cũng tăng mạnh, trên 4.000 tỷ đồng được chuyển nhượng. Lực xả hàng cũng rất lớn đẩy các chỉ số tại đây giảm sâu: Trong đó, HNX30-Index giảm 39,78 điểm (-7,74%), còn 474,01 điểm; HNX Index về 235,96 điểm sau khi hạ 14,01 điểm (-5,6%).

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, thị trường chứng khoán trong nước giảm sâu phiên hôm nay bởi hôm 17-8, Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở New York, Mỹ đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán trong nước. Evergrande từng là nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ giảm mạnh do nhà đầu tư lo sợ lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại kéo theo lãi suất trái phiếu trong tuần qua tăng cao. Lạm phát cao có khả năng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không có ý định giảm lãi suất mà thậm chí tăng lãi suất.

Ngoài ra, thị trường trong nước tăng trong những phiên gần đây, nhóm cổ phiếu “nhà Vin” có đóng góp lớn trong đà tăng của thị trường. Hôm nay, VIC và VHM khiến điểm số mất mạnh, cùng với đó, các cổ phiếu lớn khác cũng đi xuống nên sự sụt giảm mạnh của chỉ số Vn-Index đã tác động chung đến tâm lý nhà đầu tư.

Hơn nữa, “từ tháng 5-2023 đến nay, thị trường tăng một mạch kéo dài, không có nhịp điều chỉnh sâu nên phiên hôm nay thị trường điều chỉnh giảm mạnh là hợp lý”, vị chuyên gia này nói.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, khả năng đà giảm của thị trường còn tiếp diễn trong đầu tuần tới. Kịch bản tích cực là thị trường chỉ giảm đến 1.160 điểm rồi kết thúc, kịch bản xấu nhất là thị trường giảm xuống mức 1.125 điểm.

Đà giảm đợt này nhanh chóng kết thúc, nguyên nhân bởi Tập đoàn Evergrande giải quyết vỡ nợ từng phần chứ không phải đồng loạt nên cú sốc sẽ không gây nên đổ vỡ hệ thống thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, lạm phát tăng nhưng chưa quay lại tăng nóng như năm 2022 nên Fed có thể sẽ không phản ứng quá mạnh trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.