Hình phạt nào cho hành vi bắt cóc trẻ em?
Không chỉ phổ biến thông tin pháp luật về việc xử lý hành vi bắt cóc trẻ em, các chuyên gia còn đưa ra những lời khuyên hữu ích cho mỗi gia đình trong việc bảo vệ con em mình, nâng cao cảnh giác trước các nguy cơ rủi ro về an ninh, an toàn thân thể và tính mạng.
Sáng 18-8, Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hình phạt nào cho hành vi bắt cóc trẻ em?” đã được tổ chức tại Youtube và Fanpage của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và Truyền hình Vì trẻ em VTV1. Chương trình nhằm phổ biến pháp luật, đặc biệt là các quy định của Luật Hình sự liên quan đến việc xử lý hành vi bắt cóc trẻ em. Đồng thời, cung cấp các kỹ năng cần thiết cho trẻ em, gia đình, cộng đồng, tránh trường hợp hoang mang, mất bình tĩnh, gây nguy hiểm cho chính người bị bắt cóc.
Chương trình tọa đàm mang ý nghĩa thiết thực, thời sự, trong bối cảnh vụ việc bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc lên đến 15 tỷ đồng vừa xảy ra trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây.
Trong khuôn khổ chương trình, luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã phân tích tình huống, cung cấp thông tin về quy định của pháp luật liên quan đến hành vi bắt cóc trẻ em.
Đơn cử với vụ việc bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc lên đến 15 tỷ đồng vừa qua, luật sư Phạm Thành Tài đã viện dẫn quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, trong đó quy định rất rõ từng khung hình phạt, có xác định rõ các tình tiết tăng nặng như: Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi; chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Theo đó, khung phạt cao nhất có thể phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Đáng chú ý, từ vụ việc bắt cóc trẻ em vừa rồi, nhiệm vụ tạo dựng môi trường an toàn, tăng cường quản lý, cung cấp và trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ em càng được quan tâm. Một mặt quan tâm, hỗ trợ các em bị bạo lực một cách kịp thời để các em ổn định tâm lý; mặt khác, nhằm tăng cường cảnh giác, phòng ngừa nguy cơ bị bắt bóc, bạo lực, xâm hại đối với trẻ em, các chuyên gia khuyến nghị gia đình, nhà trường và bản thân các em nhỏ cần học các kỹ năng về phòng, chống xâm hại bạo lực; kịp thời báo với thầy, cô giáo, cha mẹ khi mình cảm nhận có mối đe dọa gây bạo lực hoặc biết được hiện tượng bạo lực có thể xảy ra đối với các bạn khác.
Nhà trường cần tăng cường giảng dạy kỹ năng sống thường xuyên cho các em học sinh, phối hợp tốt với phụ huynh trong việc quản lý và giáo dục các em học sinh, tạo một môi trường nhà trường an toàn, thân thiện.
Với các gia đình, cần tăng cường quan tâm tới tâm lý của con cái, luôn đồng hành cùng con, dành thời gian lắng nghe con trò chuyện, chia sẻ về những vấn về mà con gặp phải để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ con; phối hợp chặt chẽ với nhà trường để nắm bắt tình hình của con em mình; giáo dục, dặn dò kỹ lưỡng con lựa chọn nơi sinh hoạt vui chơi an toàn, rèn luyện sức khỏe, sự nhanh nhẹn…