Mưu xa, tính gần
Từ lâu nay, Hàn Quốc và Nhật Bản luôn có mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống với Mỹ. Suốt bao năm qua, Mỹ luôn đồn trú lực lượng lớn quân đội và khí tài hiện đại trên lãnh thổ hai quốc gia Đông Bắc Á này. Lãnh đạo 3 nước đã nhiều lần hội họp tay ba bên lề những sự kiện quốc tế. Vậy mà mãi đến tận bây giờ họ mới tổ chức cuộc gặp cấp cao ba bên chính thức đầu tiên.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gặp nhau ở Camp David, ngoại ô thủ đô Washington của Mỹ. Theo tiết lộ của cộng sự của ông J.Biden, kết quả của sự kiện được cả ba bên coi "có ý nghĩa lịch sử" là văn kiện với tên gọi không chính thức "Những nguyên tắc Camp David" định hướng và chi phối mối quan hệ hợp tác giữa 3 nước. Trong đó có những thỏa thuận quan trọng như hằng năm tiến hành gặp gỡ cấp cao và tập trận chung, chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác chế tạo tên lửa hành trình, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật quân sự, quốc phòng, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác về an ninh...
Ông J.Biden tổ chức được cuộc gặp này bởi trước đó Hàn Quốc và Nhật Bản đã bình thường hóa trở lại mối quan hệ hợp tác song phương. Nhật Bản và Hàn Quốc còn trắc trở và bất hòa thì không thể có được sự hợp tác ba bên suôn sẻ. Ông J.Biden, ông Yoon Suk Yeol và ông F.Kishida đều là người mới lên cầm quyền ở 3 nước, tương đồng quan điểm với nhau về Trung Quốc và Triều Tiên. 3 nước này đều đã đưa ra chiến lược riêng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ ba nhận thức và ý thức được rằng chỉ khi liên minh, liên kết hay liên thủ thật sự chặt chẽ và tin cậy với nhau thì mới có thể có được điểm xuất phát và tiền đề thuận lợi nhất để hiện thực hóa thành công những mưu tính chiến lược gần cũng như xa của cả 3, gần ở đây là đối phó Trung Quốc và Triều Tiên, xa ở đây là tham gia vào và chiếm phần lớn như có thể được trong cuộc chơi địa chiến lược nhằm cấu trúc trật tự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Có 3 điều rất đáng được để ý đến ở sự kiện này.
Thứ nhất, bộ ba trên đã bắt đầu thể chế hóa mối quan hệ hợp tác giữa 3 nước, chuyển từ mô hình "tam giác quan hệ bao gồm 3 cặp quan hệ song phương" lên thành khuôn khổ quan hệ "liên kết ba bên". Ở đó thể hiện tầm vóc mới và chất lượng mới của mối quan hệ giữa 3 nước, làm cho bên thứ ba trở thành đối tác đặc biệt của các cặp quan hệ song phương.
Thứ hai, bảo đảm an ninh và hợp tác về quân sự, quốc phòng được 3 nước đặc biệt coi trọng và ưu tiên. Bộ ba chủ ý chưa tiến xa tới mức hình thành liên minh quân sự ba bên trên danh nghĩa như một dạng "Nato ở Đông Bắc Á", tức là chưa cam kết bảo đảm an ninh cho nhau bằng hiệp ước như NATO nhưng ngầm ẩn ý hậu thuẫn lẫn nhau để bảo đảm an ninh. Họ chủ ý hiện chưa tiến bước xa hơn vì tránh để cho Trung Quốc và Triều Tiên cảm nhận bị khiêu khích và vì họ còn nhằm mục tiêu tập hợp lực lượng ở khắp vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thứ ba, bộ ba chuẩn bị dư luận cho kịch bản tiến tới hình thành liên minh an ninh ba bên ở khu vực Đông Bắc Á vào thời điểm nào đấy trong thời gian tới như Mỹ, Anh và Australia đã có được với Liên minh an ninh ba bên AUKUS. Họ đều có ý dùng khuôn khổ hợp tác ba bên mới này để theo đuổi những lợi ích chiến lược chung cũng như riêng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.