Giáo dục tiểu học Hà Nội giải quyết bài toán thiếu giáo viên thế nào?
Quy mô giáo dục tiểu học của thành phố có 826 trường với gần 40.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. So với cùng kỳ năm học 2021-2022, giáo dục tiểu học tăng thêm 1.034 giáo viên. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, nhiều trường còn thiếu giáo viên, nhất là với các môn học mới.
Năm học 2023-2024 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006 với học sinh lớp 5, các khối lớp còn lại thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giải tỏa mối lo của phụ huynh học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, trường học triển khai nhiều giải pháp bảo đảm chất lượng, đặc biệt quan tâm tới học sinh cuối cấp để các em không bỡ ngỡ, học tốt chương trình mới khi chuyển cấp vào năm học sau. Đây là nội dung xuyên suốt tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 giáo dục tiểu học do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức sáng nay, 17-8.
Giải quyết tình trạng thiếu giáo viên
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, quy mô giáo dục tiểu học của thành phố có 826 trường với hơn 816.000 học sinh, gần 40.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Sĩ số học sinh trung bình/lớp là gần 39 em. So với cùng kỳ năm học 2021-2022, giáo dục tiểu học tăng thêm 1.034 giáo viên.
Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, năm học 2023-2024, nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố vẫn đứng trước khó khăn về việc thiếu giáo viên, nhất là với các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (cụ thể là môn tiếng Anh, tin học - công nghệ từng là môn học tự chọn, giờ chuyển thành môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3).
Đồng thời với việc đề nghị cơ quan chức năng sớm tổ chức tuyển dụng giáo viên bổ sung, các phòng giáo dục và đào tạo và nhà trường đều khẳng định đã chủ động có giải pháp khắc phục việc thiếu giáo viên để bảo đảm tổ chức dạy học đúng theo yêu cầu của chương trình trong năm học 2023-2024.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Lê Thị Thu Hằng cho biết, toàn quận có 17 trường tiểu học với hơn 20.000 học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã xây dựng, triển khai “Ngân hàng giáo viên” gồm những giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm của các nhà trường; đồng thời, thành lập tổ công tác sẵn sàng hỗ trợ các trường học trên địa bàn để tạo sự đồng đều về chất lượng giáo dục.
Trong bối cảnh nhiều trường khó khăn do thiếu giáo viên, Phòng đã mạnh dạn sử dụng đội ngũ giáo viên dùng chung cho các trường cùng cấp học trên địa bàn. Theo đó, giáo viên tiếng Anh của trường A có thể dạy tiếng Anh cho 2, 3 trường khác. Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chịu trách nhiệm gắn kết, sắp xếp thời khóa biểu và chi trả lương cho giáo viên bảo đảm hợp lý. Mô hình này sẽ tiếp tục được triển khai để giải quyết hiện tượng thiếu giáo viên ở các trường, tạo sự đoàn kết, tăng cường ý thức trách nhiệm của giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ cho biết, tính sơ bộ, các trường trên địa bàn huyện còn thiếu hơn 200 giáo viên các môn cơ bản. Thời điểm này, các nhà trường cũng đã ký hợp đồng giáo viên để bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp theo quy định. Tuy nhiên, với việc triển khai các môn học mới (tiếng Anh, tin học - công nghệ) trong chương trình giáo dục phổ thông theo quy định bắt buộc là 4 tiết/tuần, nhiều trường học vẫn đứng trước thách thức không nhỏ, cần tiếp tục có giải pháp.
Tất cả các trường tuyển sinh trực tuyến
Để bảo đảm chất lượng giáo dục đối với học sinh cuối cấp, làm nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp trung học cơ sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân tổ chức khảo sát 100% học sinh lớp 5 của các trường tiểu học trên địa bàn quận. Các em được khảo sát ở ba môn gồm toán, tiếng Việt và tiếng Anh. Giải pháp này sẽ tiếp tục được triển khai trong năm học 2023-2024 nhằm nắm được bức tranh toàn cảnh về tình hình dạy học ở các trường tiểu học trên địa bàn theo thước đo chung, từ đó kịp thời có sự điều chỉnh trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiệm vụ năm học. Kết quả khảo sát cũng là căn cứ để Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng các nội dung bồi dưỡng giáo viên để nâng cao chất lượng giảng dạy, bảo đảm sự đồng đều về chất lượng giữa các nhà trường, tránh tính hình thức trong kiểm tra, đánh giá.
Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục, việc bảo đảm an toàn cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng của giáo dục tiểu học năm học 2023-2024. Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Khoa học công nghệ (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Trần Thị Thu Hà thông tin, theo báo cáo của một đơn vị vào sáng 17-8, có một học sinh tử vong do tai nạn tại gia đình, Sở yêu cầu các nhà trường đặc biệt quan tâm nhắc nhở, phối hợp với gia đình học sinh tăng cường giáo dục kỹ năng để các em biết cách tự bảo vệ mình, phòng tránh tai nạn, thương tích. Các nhà trường cũng cần chủ động tổng vệ sinh trường, lớp để đón học sinh tựu trường; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh.
Liên quan đến vấn đề giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết ký hợp đồng 3.112 giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở và tuyển dụng 608 giáo viên giảng dạy tại các trường trực thuộc Sở. Theo phân cấp quản lý, các quận, huyện, thị xã sẽ tổ chức ký hợp đồng giáo viên cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở theo quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tổ chức tuyển dụng giáo viên vào ngày 20-8 tới.
Trước yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về việc giải quyết dứt điểm hiện tượng phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh, ông Trần Thế Cương yêu cầu từng nhà trường, phòng giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch tuyển sinh và chuẩn bị điều kiện để tổ chức tuyển sinh trực tuyến tại tất cả các trường từ năm học 2024-2025. Nếu cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo của quận, huyện, thị xã nào còn để hiện tượng phụ huynh học sinh xếp hàng thì người đứng đầu đơn vị, trường đó chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở.